Kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014: Nhiều tồn tại làm giảm hiệu quả quản lý, sử dụng nợ được Chính phủ bảo lãnh

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:00, 17/11/2016

(BKTO) - Báo cáo kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014 cho biết, đến 31/12/2014, nợ được Chính phủ bảo lãnh tương đương 422.640 tỷ đồng, chiếm 18,49% nợ công, trong đó 87 dự án vay nước ngoài và trái phiếu DATC (Công ty mua bán nợ) với tổng dư nợ tương đương 210.802 tỷ đồng, tăng 37,21% so với năm 2013; 12 dự án vay trong nước với tổng dư nợ tương đương 41.052 tỷ đồng, tăng 4,32% so với năm 2013; bảo lãnh phát hành trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là 170.785 tỷ đồng, tăng 1,3% so với năm 2013.



Kết quả thẩm định các dự án được cấp bảo lãnh đã chỉ ra rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của dự án
Ảnh: TS

Rủi ro của các dự án ảnh hưởng đến khả năng trả nợ

Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh cho 8 chương trình, dự án vay vốn nước ngoài thuộc 3 lĩnh vực ưu tiên cấp bảo lãnh của Chính phủ theo Quyết định số 44/2011/QĐ-TTg là đầu tư đội máy bay, dự án nguồn và lưới điện và khai khoáng với tổng số cam kết bảo lãnh là 2.439 triệu USD.

Theo đánh giá của KTNN, việc thẩm định phương án tài chính, điều kiện cấp bảo lãnh được Bộ Tài chính chú trọng. Tuy nhiên, kết quả thẩm định các dự án được cấp bảo lãnh đã chỉ ra rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của dự án. Đơn cử như với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long không đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu theo quy định. Tại thời điểm cấp bảo lãnh mới chỉ có 1 trong 3 cổ đông góp 99,73 tỷ đồng/3.800 tỷ đồng vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh được cấp từ tháng 8/2007, bằng 2,3% vốn điều lệ đăng ký. Năng lực tài chính của các cổ đông hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro không đảm bảo góp đủ vốn theo đăng ký.

Hoặc với Dự án Nhà máy thủy điện Bắc Mê của Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex), đến hết năm 2013, các cổ đông chưa thanh toán đủ cổ phần theo đăng ký kinh doanh số tiền trên 3.300 tỷ đồng, đến cuối năm 2014 là trên 2.600 tỷ đồng; trong khi đó, trường hợp các cổ đông thanh toán đủ số cổ phần theo nghĩa vụ quy định tại Điều 80 Luật Doanh nghiệp 2005 thì Chủ đầu tư đủ nguồn vốn đầu tư Dự án. Đồng thời, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án chưa đủ tính pháp lý do Thanh tra Chính phủ chưa có kết luận về vấn đề pháp lý sau cổ phần hóa của Vietracimex.

Bên cạnh đó, KTNN còn nhấn mạnh một số rủi ro khác, như các khoản vay đều bằng ngoại tệ với lãi suất thả nổi nhưng các DN chưa thực hiện biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Đến 31/12/2014, có tới 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh chưa được thế chấp tài sản trong điều kiện pháp luật về giao dịch đảm bảo đã được ban hành đầy đủ. Cũng đến thời điểm này, có 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với số dư tương đương 4.703 tỷ đồng (trong đó có 8 dự án có nợ ứng vốn quá hạn); các dự án thuộc lĩnh vực xi măng đều gặp khó khăn, không đảm bảo khả năng trả nợ, gây sức ép trả nợ thay từ Quỹ tích lũy trả nợ trong các năm tới.

Một số Ngân hàng Chính sách chưa tuân thủ quy định

KTNN xác định nợ quá hạn của các khoản cho vay quay vòng vốn của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đến hết năm 2014 là 349 tỷ đồng, bằng 71,5% tổng dư nợ, đến tháng 9/2015 là 100% dư nợ. Kể từ thời điểm dừng cho vay tín dụng xuất khẩu nguồn vốn JBIC (18/9/2014), Ngân hàng Phát triển chưa cho vay tín dụng đầu tư đối với nguồn vốn vay JBIC làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Từ 18/9/2014 đến 30/9/2015, tiền lãi Ngân hàng Phát triển phải trả JBIC hơn 1,73 triệu USD, trong khi lãi thu được từ tiền gửi chỉ là 1,54 triệu USD.

Qua kiểm toán việc bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với 2 Ngân hàng Chính sách, KTNN nhận định về cơ bản Bộ Tài chính đã thực hiện theo quy định, tuy nhiên việc bổ sung hồ sơ của Ngân hàng Phát triển chậm dẫn đến thời gian Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng phê duyệt hạn mức bảo lãnh của các ngân hàng bị kéo dài.

Đối với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Phát triển, KTNN đánh giá các ngân hàng đã xây dựng và thực hiện Phương án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định, phát hành trái phiếu cơ bản đảm bảo điều kiện theo quy định tại Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011, không vượt hạn mức theo thông báo của Bộ Tài chính. Sau khi các ngân hàng phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính đã xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu theo từng quý làm cơ sở ghi nhận nợ công của Chính phủ. Lãi suất phát hành cơ bản đảm bảo không vượt quá lãi suất tối đa theo thông báo của Bộ Tài chính từng thời kỳ.

Năm 2014, Ngân hàng CSXH phát hành 4.701 tỷ đồng, bằng 30,3% hạn mức; Ngân hàng Phát triển phát hành 23.043 tỷ đồng, bằng 57,6% hạn mức Thủ tướng Chính phủ giao. KTNN cũng ghi nhận, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu được các ngân hàng quản lý, hạch toán, theo dõi, sử dụng theo Phương án được phê duyệt, trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn năm 2014 theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc xây dựng nhu cầu huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng CSXH tại Phương án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (15.340 tỷ đồng) chưa sát nhu cầu thực tế (10.201 tỷ đồng). Cùng với đó, Đề án phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển không xây dựng kế hoạch cụ thể cho Chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước theo quy định tại Mục 2, Điều 17 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP. Đồng thời, Phương án/Đề án phát hành trái phiếu của Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Phát triển không nêu cơ sở xác định kỳ hạn trái phiếu dự kiến phát hành, chủ yếu chỉ đưa ra các kỳ hạn dự kiến 2 năm, 3 năm và 5 năm để có thể huy động thành công.

QUỲNH ANH