Lào Cai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới giảm nghèo bền vững
Địa phương - Ngày đăng : 09:11, 18/11/2023
Thuộc tốp các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất
Theo khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, tỉnh Lào Cai xếp thứ 5 trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 - 2021. Tiếp nối kết quả đạt được ở giai đoạn trước, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (với tiêu chí được nâng lên), Lào Cai tiếp tục đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 - 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Đối với 37 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh, từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), Chương trình Khuyến nông quốc gia; Chương trình khuyến nông ngân sách tỉnh… Các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện 158 mô hình, dự án với kinh phí thực hiện đạt trên 172 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, đối với các dự án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch thực hiện 42 dự án với kinh phí trên 53 tỷ đồng được thực hiện tại các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Tính đến tháng 10/2023, các đơn vị mới thực hiện đạt 2,36% kế hoạch giao. Tuy nhiên, đối với Chương trình Khuyến nông triển khai 07 mô hình tại huyện Bắc Hà, Mường Khương và Văn Bàn đến nay thực hiện đạt 100% kế hoạch đề ra.
Điểm đáng chú ý đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đó là Lào Cai đã đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm OCOP. Thực tế cho thấy, giai đoạn 2019 - 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ thể đề xuất, xây dựng ý tưởng, lập hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP; phối hợp tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; chủ trì tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá phân hạng và đề nghị UBND tỉnh phân hạng sản phẩm OCOP tại các xã có tỷ lệ nghèo cao. Cụ thể, đã xếp hạng 3 sao cho 21 sản phẩm của thị xã Sa Pa (17 sản phẩm), huyện Bắc Hà (1 sản phẩm), huyện Mường Khương (3 sản phẩm); xếp hạng 4 sao cho 04 sản phẩm của huyện Bắc Hà và Mường Khương. Tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh có 163 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% trở lên.
Sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong giảm nghèo.
Đến hết năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt 5,8% (tương đương giảm 9.770 hộ nghèo), vượt mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đề ra (4,5%) và Trung ương giao (4%). Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã giảm 7,7% (vượt xa kế hoạch của tỉnh và Trung ương là giảm 6%/năm).
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để có các kết quả này, tỉnh Lào Cai đã có những cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo. Đó là đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ đạo của Nhà nước, đây là yếu tố quyết định đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo cải thiện cuộc sống; đổi mới quản lý nhà nước trong việc điều hành và phân công trách nhiệm…
Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn các xã nghèo trong việc thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân tại địa phương. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo được Trung ương tích hợp và ban hành đầy đủ, nguồn kinh phí bố trí thực hiện có tập trung, đầu tư năm sau cao hơn năm trước, cùng với việc lồng ghép từ nguồn vốn của các Chương trình MTQG khác, nguồn ngân sách địa phương góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả và đạt mục tiêu giảm nghèo. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện dự án đều có sự tham gia của người dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng chương trình; các đối tượng tham gia dự án được đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mình, được kiểm tra, giám sát các nội dung, hoạt động dự án được hỗ trợ; được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, được củng cố nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc tham gia dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung và ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nói riêng nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm và sự chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Việc triển khai, thực hiện các dự án đã từng bước thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình giống cây trồng, vật nuôi được đưa vào sản xuất mang tính chất hàng hoá, có tính chuyên canh áp dụng khoa học kỹ thuật cao đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo, từng bước góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hy vọng rằng với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm, sáng tạo và đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, Lào Cai sẽ sớm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian gần nhất./.