Mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho mọi đối tượng
Chính trị - Ngày đăng : 23:00, 04/12/2023
Các yếu tố nền tảng của chính sách xã hội
Như tin đã đưa, sáng 04/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII).
Theo đó, Thủ tướng tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 42-NQ/TW, với 5 nội dung chính: Các yếu tố nền tảng của chính sách xã hội; đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012; sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; những nội dung chính của Nghị quyết số 42-NQ/TW; những điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Chỉ ra những yếu tố nền tảng của chính sách xã hội, Thủ tướng nêu rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết 5 bài học chủ yếu: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cùng với đó, tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xác định rõ: "Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Dành thời gian phân tích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về một số lĩnh vực trụ cột (xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, văn hóa), Thủ tướng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; trong đó nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, tất cả các yếu tố nền tảng trên đều liên quan đến con người, đến nhân dân. Nguyên tắc xuyên suốt là: Con người là trung tâm của chính sách xã hội - tất cả vì con người, vì nhân dân; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Theo Thủ tướng, đây là lĩnh vực lớn, phạm vi rộng, có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Nghị quyết số 42 chuyển đổi cách tiếp cận từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 42-NQ/TW đưa ra hệ thống 9 nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về chính sách xã hội (nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hệ thống an sinh xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân; cung cấp dịch vụ xã hội; hợp tác quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng).
Xây dựng hệ thống chính sách xã hội bền vững, tiến bộ và công bằng
Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những điểm mới rất quan trọng của Nghị quyết số 42 là đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng, trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách đảm bảo an sinh xã hội (trụ cột là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, giảm nghèo); Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội (về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin); Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa).
Nghị quyết số 42-NQ/TW xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030.
Nghị quyết cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội khác để đảm bảo ổn định xã hội; đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết số 42-NQ/TW. Đó là, tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường)
Về xây dựng nhà ở xã hội, đáng lưu ý là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Thủ tướng cho biết Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.
Cùng với đó, xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hoá dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế; phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)...