Sửa đổi Luật Đầu tư công đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 07/12/2023
Nhiều vướng mắc gây lúng túng trong triển khai
Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, nâng hiệu quả nguồn lực đầu tư… Tuy nhiên, theo phản ánh của các ĐBQH thì còn không ít những vướng mắc, bất cập gây khó khăn, lúng túng cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư…
Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phản ánh, vốn cho việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công. “Ngày 02/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 7891/BKHĐT-TH về việc thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn, giải ngân vốn đầu tư công cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên, chưa quy định rõ các Bộ, ngành, địa phương được sử dụng nguồn vốn nào để chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trước khi được cơ quan có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công” - đại biểu chỉ rõ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) chỉ rõ, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư nên cần phải mất một thời gian chuẩn bị đầu tư dự án mới có thể giải ngân được. Đây là một trong những vướng mắc, điểm nghẽn, là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn và chậm tiến độ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá, các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện song vẫn chưa thật sự đồng bộ. Vì vậy, các chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án đầu tư công cũng như quản lý tài chính dự án đầu tư công vẫn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Trong quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin - cho, hợp thức hóa... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm; quyền và trách nhiệm của cá nhân với của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai, giải ngân chậm…
Gỡ khó về quy trình thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Chia sẻ thêm về những bất cập được các ĐBQH chỉ ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nếu không sửa Luật Đầu tư công thì sẽ vẫn vướng mắc về giải ngân đầu tư công; nghịch lý giải ngân thấp trong khi nền kinh tế đang “khát vốn” sẽ vẫn tiếp diễn. Ngay cả việc chi thường xuyên, chi đầu tư cũng vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Bộ trưởng dẫn chứng, trong quy trình điều chỉnh danh mục công trình và chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác, “muốn điều chỉnh danh mục công trình cũng phải ra Quốc hội, muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải ra Quốc hội”, trong khi việc này yêu cầu sự linh hoạt và phải nhanh chóng. Ngoài ra, phải có tiền để lập dự án và tiền này phải được bố trí trong kế hoạch đầu tư công. Điều này tạo ra rào cản cho việc triển khai các dự án mới. Hiện một số gói trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, như gói 14.000 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế cho các phường, xã vẫn chưa được giao vốn.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thực tế này đòi hỏi sự thay đổi trong Luật Đầu tư công. “Luật Đầu tư công phải mở ra, phải đa dạng hóa nguồn vốn, cân đối được tài khoá và quy định chủ yếu về trình tự thủ tục” - Bộ trưởng nói và cho biết sắp tới phải sửa Luật Đầu tư công và sửa Luật Ngân sách nhà nước, trong đó đưa vào một chương về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc đề nghị xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đến đầu tư, ngân sách là yêu cầu thực tiễn, được nhiều Bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng phương án phù hợp trên cơ sở rà soát các chính sách đang thực hiện, thí điểm có hiệu quả để áp dụng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đã được nhiều ý kiến đề nghị cần tháo gỡ.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động của các cấp trong đầu tư công. “Việc giao Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh triển khai các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đã giúp giải phóng mặt bằng các dự án này triển khai rất nhanh. Trong khi, có những dự án hạ tầng giao thông trước đây tại hai Thành phố này mất tới 10 năm để giải phóng mặt bằng và đội vốn lớn” - Thủ tướng dẫn ví dụ.
Bình luận về vấn đề này từ thực tế triển khai Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, đây là Dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội cho phép giao trực tiếp cho địa phương có liên quan quản lý. Đồng thời, Dự án được thực hiện cơ chế đặc thù là tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Chính nhờ cơ chế đặc thù này nên tiến độ triển khai Dự án rất nhanh. Chỉ một năm sau khi được Quốc hội thông qua, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, trong khi phần lớn các dự án khác ở một số địa phương luôn ách tắc chính là ở khâu này.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc trao quyền cho địa phương thực hiện thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời cũng tạo cơ chế để giám sát tốt hơn. Bên cạnh sự giám sát của cơ quan quản lý ở Trung ương thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá tổng thể việc thí điểm cơ chế đặc thù để có những điều chỉnh và tạo, cơ chế chính sách mới, áp dụng cho nhiều dự án mới./.