Lấy đất rừng và trồng rừng thay thế: Cần chính sách dài hạn và bền vững hơn

Kiểm toán - Ngày đăng : 06:22, 07/12/2023

(BKTO) - TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II - cho rằng, chính sách lấy đất rừng để chuyển đổi sang mục đích khác và trồng rừng thay thế tương đối hoàn hảo nhưng quá trình thực hiện lại đang đặt ra nhiều vấn đề. Để thiết kế lại chính sách này, phải lấy nguyên tắc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là căn cốt.
7-anh-thang(1).jpg
TS. Lê Đình Thăng

Khoảng trống pháp luật

Thực tế đang đặt ra vấn đề: Địa phương nào cũng muốn lấy đất rừng để chuyển mục đích khác thì sẽ không có đất để trồng rừng. Hơn nữa, từ khi trồng đến lúc thành rừng (như hiện tại) cũng phải 50-70 năm. Như vậy, sẽ có quãng thời gian trống - không có rừng. Đó là chưa kể việc trồng rừng thay thế quy mô như thế nào, có đúng cây bản địa không, liệu cây có sống được không, việc giám sát thế nào cũng chưa rõ ràng. Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giám sát nhưng liệu cơ quan này có đủ lực lượng để giám sát hay không…, vấn đề này vẫn chưa quy định rõ. Đây là những khoảng trống chính sách.

Chúng ta mới tư duy rất đơn thuần là lấy bao nhiêu diện tích rừng thì trồng lại bấy nhiêu và cam kết việc đó, nếu không trồng thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, thậm chí nộp tiền mức cao nhất. Trên thực tế, nhiều địa phương nộp tiền vào Quỹ trung ương, Quỹ trung ương cũng không muốn nhận vì nhận rồi không biết điều tiết về địa phương nào; không có địa phương nào muốn nhận trồng cho địa phương khác do chưa tìm ra đất để trồng rừng và tiền cứ kết dư tại Quỹ mặc dù số tiền đó so với quốc gia thì không nhiều… Hơn nữa, nước ta đang hướng tới phát thải ròng bằng 0, nghĩa là phải bảo vệ môi trường. Trong khi đó, chúng ta cứ lấy rừng để chuyển sang mục đích khác thì liệu có đạt được mục tiêu này hay không?

Một câu chuyện nữa là vấn đề quy hoạch. Quy hoạch tỉnh A năm nay sẽ bố trí 2.000ha, tỉnh B 5.000ha, tỉnh C là 500ha để trồng rừng thay thế nhưng lại không chỉ rõ địa điểm cụ thể. Kết quả kiểm toán cho thấy, một số địa phương dù có quy hoạch cụ thể diện tích rừng trồng thay thế nhưng không có đất để trồng vì diện tích đất đã quy hoạch để trồng rừng thay thế đang là đất canh tác của đồng bào...

6-toan-canh.jpg
Tọa đàm "Trồng rừng thay thế: Trách nhiệm thuộc về ai?"

Hoạch định chính sách dài hạn và giám sát toàn diện, liên tục

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, các cơ quan nhà nước phải nhìn lại chính sách liên quan đến rừng để thiết kế một chính sách bền vững hơn. Chính sách phải đi trước và phải có một cơ quan hoạch định chính sách với tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Nếu chỉ dừng lại cam kết thì chưa đủ bởi để biến quyết tâm chính trị, biến cam kết thành hiện thực là cả một chặng đường dài, đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là sửa thông tư này, nghị định kia để rồi xử phạt. Việc phạt hành chính không có ý nghĩa gì và mức phạt không đáng kể so với việc để mất hàng trăm ha rừng.

Đối với việc đổi đất rừng để làm dự án hồ thủy lợi và cam kết trồng rừng thay thế của tỉnh Bình Thuận, chúng tôi mong các cơ quan nhà nước và địa phương tính toán lại và công khai trước dư luận công thức đơn thuần về mặt kinh tế như: Việc lấy hơn 600 ha rừng thì được gì, mất gì và để làm hồ thủy lợi như dự kiến sẽ tạo ra nguồn lợi kinh tế như thế nào so với việc giữ rừng… Ngoài ra, có thể thông tin chi tiết về vấn đề đa dạng sinh học của rừng hiện tại. Việc công khai thông tin sẽ tạo được sự ủng hộ đối với địa phương.

TS. Lê Đình Thăng

Về dài hạn, chúng ta không nên lấy đất rừng để làm việc khác. Đất đang canh tác hoặc không phải rừng nhưng hiệu quả kinh tế thấp thì có thể chuyển đổi thành những mục đích kinh tế có hiệu quả cao hơn và có chính sách cho những người đang sinh sống ở đó được hưởng lợi; phải có chính sách để bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất việc lấy rừng. Hoặc lấy đất đã quy hoạch nhưng đang trống, đang chưa phải là rừng để làm dự án khác và giữ nguyên rừng. Đồng thời, khi phê duyệt dự án lấy 100ha rừng đồng thời phê duyệt dự án 100ha rừng trồng thay thế khác (có địa điểm cụ thể), thậm chí phải trồng rừng thay thế trước khi lấy 100ha rừng, khi được nghiệm thu mới cho phép lấy rừng. Khi thể chế đầy đủ như vậy mà người đứng đầu địa phương không thực hiện thì mới quy trách nhiệm được.

Quá trình phát triển đất nước rất cần triển khai dự án nhà ở, khu công nghiệp hoặc dự án thương mại… Thế nhưng, phải hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường và phát triển. Đối với tương lai xanh của đất nước, việc bảo vệ môi trường là cần thiết. Theo tính toán của một số nhà khoa học, nếu Việt Nam bán tín chỉ carbon từ rừng thì nguồn kinh tế này mang lại giá trị lớn hơn việc lấy rừng để làm việc khác. Nếu chúng ta không nhìn nhận lại chính sách thì việc lấy đất rừng làm kinh tế chỉ là trước mắt, còn về dài hạn là đang xâm lấn lợi ích của hệ sau, của tương lai và sẽ phải trả giá về chuyện này.

Dưới góc độ của những người làm công tác kiểm toán, tôi đồng tình với quan điểm cần giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Công luận giám sát lời hứa của tổ chức, cá nhân. Thế nhưng, vấn đề là lời hứa mang những khẩu hiệu chính trị, việc biến khẩu hiệu chính trị thành hiện thực tức là cam kết trồng gấp đôi diện tích nhưng trồng chỗ nào, kinh phí bao nhiêu, trồng loại cây gì, dự kiến khi nào xong… thì công luận không có công cụ nào để giám sát. Ngoài ra, còn tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo nhiệm kỳ này cam kết nhưng người kế nhiệm có thực hiện cam kết của khóa trước hay không lại là một câu chuyện nữa. Vì vậy, phải có một hệ thống giám sát toàn diện, liên tục qua từng giai đoạn.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại toàn bộ chính sách trồng rừng thay thế; đánh giá lại các định mức, đơn giá trồng rừng thay thế và cũng đánh giá lại việc giám sát trồng rừng thay thế (công cụ để giám sát) để đảm bảo tất cả chính sách phải có hiệu lực. Trong năm tới, sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, KTNN sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lớn nhất là chính sách lấy đất rừng và trồng rừng thay thế./.

Theo kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam giai đoạn 2020-2022, diện tích rừng giảm do chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác từ khi phát sinh việc trồng rừng thay thế đến ngày 31/12/2022 là 34.346,95 ha. Vẫn còn hơn 3.243 ha của 33 địa phương chưa được trồng rừng thay thế.

Kinh phí tồn dư lũy kế từ khi thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng địa phương (năm 2012) đến ngày 31/12/2022 là hơn 1.647 tỷ đồng chưa thực hiện được trồng rừng thay thế. Một số chủ dự án nợ tiền trồng rừng thay thế đến ngày 31/3/2023 là trên 123 tỷ đồng, điều này cũng làm ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi trồng rừng thay thế.

THÙY ANH (ghi)