Doanh nghiệp cần tăng tốc thích ứng với các “tiêu chuẩn xanh”

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:43, 07/12/2023

(BKTO) - Hiện nay, các thị trường trên thế giới đang đặt ra ngày càng nhiều tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, qua đó có thể giữ vững thị trường xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
13(1).jpg
Các DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: ST

Nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe đang được đặt ra

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) - cho biết, hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh” đang và sẽ là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Các thị trường trên thế giới đang đặt ra ngày càng nhiều tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu. Đơn cử, đối với Liên minh châu Âu (EU), gần đây, EU đã ban hành Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Để triển khai EGD, theo rà soát của VCCI, EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi các chính sách xanh. Ví dụ, với nông sản thực phẩm là Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với một loạt chính sách thắt chặt việc sử dụng nông hóa phẩm, bao bì đóng gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc xanh của sản phẩm nhập khẩu.

Với nhóm hàng chế biến chế tạo (như: Điện tử, công nghệ thông tin, nhựa, dệt may…), Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập. Ngoài ra, còn có một số chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU như: Quy định về chống phá rừng (EUDR) áp dụng cho cà phê, ca cao, gỗ…; hay Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) nhằm vào các sản phẩm sắt thép, nhôm, xi măng… “Danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong EGD đến năm 2050 của EU, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030” - ông Vinh nhấn mạnh và cho biết thêm, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự như EU.

Tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã đề ra định hướng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới là: Tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Với rất nhiều tiêu chuẩn xanh được các thị trường nhập khẩu đặt ra, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam nếu không có đủ năng lực để tuân thủ các yêu cầu này. Phân tích cụ thể, bà Trang cho biết, hiện nay, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) thông thường của một số thị trường vốn đã không phải là dễ dàng với nhiều DN.

Do đó, thách thức tất nhiên sẽ còn lớn hơn nhiều với các tiêu chuẩn xanh mới hoặc nâng cấp từ các TBT, SPS theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn. Tùy từng DN, thách thức đó có thể là ở năng lực để chuyển đổi về công nghệ, về kiểm soát chuỗi cung ứng, về kỹ năng của lao động hay về năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin. Đằng sau tất cả các thách thức kỹ thuật này là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi. Với phần lớn các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ các tiêu chuẩn xanh là nhiệm vụ rất khó khăn.

Doanh nghiệp cần sớm thích ứng

Theo các chuyên gia, mặc dù trước mắt các tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới đặt ra những thách thức lớn cho các DN xuất khẩu Việt Nam, nhưng về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho DN.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, việc thích ứng sớm với các tiêu chuẩn xanh sẽ mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của DN đi các thị trường phát triển trên thế giới, trong bối cảnh các thị trường đang thúc đẩy mạnh mẽ những hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu. Từ góc độ hiệu quả, mặc dù việc chuyển đổi xanh sẽ cần sự đầu tư ban đầu cao nhưng lại có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN trong dài hạn. Không những thế, trên bình diện vĩ mô, việc từng DN tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Đưa khuyến nghị cho các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng DN cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở các thị trường; đồng thời nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của ngành hàng mình. Đặc biệt, DN cần có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc từ các thị trường.

Mặt khác, để có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh của DN Việt, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh của các thị trường trên thế giới theo nhóm sản phẩm cụ thể; cần có các hoạt động tư vấn, hướng dẫn DN thực hiện./.

THIỆN TRẦN