Thận trọng khi áp dụng chính sách thuế vào thị trường vật tư nông nghiệp

Tài chính - Ngày đăng : 15:36, 07/12/2023

(BKTO) - Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Việc áp dụng thuế đối với vật tư nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có thể làm tăng giá đầu vào của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, do đó cần được xem xét thận trọng.
2q7a0632.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Miễn thuế cho phân bón - lợi bất cập hại

Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam, đó là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật... Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp. 

Trong 10 tháng năm 2023, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 3,36 triệu tấn, trị giá gần 1,14 tỷ USD, giá trung bình đạt 338 USD/tấn.

Khẳng định vai trò quan trọng của vật tư nông nghiệp khi trực tiếp tác động đến sản xuất nông nghiệp, tại Hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 7/12, các ý kiến đã tập trung phân tích về thực tiễn triển khai quy định về thuế đối với vật tư nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm phân bón. 

Theo ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), sau 08 năm thực hiện, quy định không chịu thuế đối với ngành phân bón trong Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã gây khó khăn cho cả nông dân và các doanh nghiệp (DN) sản xuất.

Lý do, theo ông Phụng, đó là chúng ta đã hạ dần mức bảo hộ về thuế đối với các mặt hàng này (hạ dần từ trên dưới 10% xuống 0%) và áp thuế GTGT thống nhất giữa hàng nhập khẩu với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập khẩu luôn bám theo hàng trong nước để hưởng lợi.

Mặt khác, nền kinh tế của ta chuyển dần sang kinh tế thị trường nên giá bán do DN và người mua đồng thuận, khi các DN sản xuất phân bón và máy nông nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào buộc phải cộng vào giá thành, tăng giá bán cho nông dân. Khi đó DN nước ngoài cộng thêm tỷ lệ % do tâm lý thích hàng nhập khẩu.

Quy định mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế sẽ làm giảm thu ngân sách, DN trong nước và nông dân đều thiệt thòi, do vậy đã có tiếng kêu “Thuế bảo hộ ngược” và tình trạng thiệt hại kép ví như “Cháy nhà hai đầu” đã xảy ra”.

Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Văn Phụng

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đưa đến nhiều khó khăn cho DN sản xuất phân bón trong nước do toàn bộ thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, nguyên liệu và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ vào giá thành sản phẩm mà phải tính vào chi phí sản xuất làm tăng giá thành phân bón.

Từ đó dẫn đến ảnh hưởng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng trực tiếp, cụ thể là nông dân Việt Nam; làm giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón trong nước.

Do đó, nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, thì nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, góp phần tăng ngân sách thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón, từ đó cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể cho ngành nông nghiệp cả nước.

Vẫn cần thận trọng...

Hiện, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), trong đó có nội dung sửa đổi đối với mặt hàng phân bón.

Các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài, việc không quy định mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế đang gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, cũng như tác động đến chính nông dân.

Do đó, với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Cụ thể, mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thức ăn thuỷ sản vẫn nên đưa vào diện không chịu thuế; chuyển phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý cần xem xét hài hòa với các thuế khác đánh vào mặt hàng phân bón như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Chính phủ cần kiểm soát hoạt động xuất khẩu phân bón để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của thiết kế chính sách là mục tiêu chính sách. “Mục tiêu lớn nhất của những chính sách ưu đãi thuế là tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp” - TS. Vũ Đình Ánh nói; đồng thời nhấn mạnh cần phải đi từ câu chuyện thực tiễn thì vật tư nông nghiệp mới gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. 

2q7a0731.jpg

Cần có một bộ chính sách về thuế xuyên suốt từ thuế GTGT đến thuế thu nhập DN cũng như thuế thu nhập cá nhân hay thuế tài nguyên đầu vào cho sản phẩm vật tư nông nghiệp. 

TS. Vũ Đình Ánh

TS. Bùi Thị Mến (Học viện Ngân hàng) chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều dư địa để triển khai chính sách thuế nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Mặc dù vậy, các ý kiến sửa đổi Luật Thuế GTGT nên được xem xét toàn diện ở các mặt.

Bởi, việc áp dụng thuế có thể tạo ra cơ chế khấu trừ, hoàn thuế đối với DN sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng cũng có thể làm tăng giá đầu vào của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp. Do đó “cần thận trọng khi đánh giá, đưa ra quyết định” - TS. Bùi Thị Mến nhấn mạnh.

Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dương (Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), thuế GTGT là sắc thuế gián thu và có tính trung lập. Thuế đánh trên diện rộng với mức thuế suất vừa phải.

Tuy nhiên, khi thiết kế thuế GTGT với lĩnh vực nông nghiệp cần có những ngoại lệ nhất định. Điều này đúng với cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của chính sách, đó là nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, vì nông dân.

"Cần có thêm những đánh giá về vấn đề áp dụng thuế với loại vật tư phân bón" - PGS,TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dương đề nghị. 

N.LỘC