Tận dụng các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy thương mại Việt - Nhật
Kinh tế - Ngày đăng : 23:33, 07/12/2023
Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Khai thác các hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam - Nhật Bản”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Asean - Nhật Bản và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 07/12, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thái Li - Phó Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, VCCI cho biết, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành trụ cột cho quan hệ Việt - Nhật.
Theo đó, về đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam trải khắp 57/63 tỉnh, thành phố. Tính đến cuối tháng 9/2023, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD, với 5.143 dự án, xếp thứ 3 trên 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, hoạt động hiệu quả.
Xét về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong các nhà tài trợ song phương cho Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, Nhật Bản luôn là đối tác ODA lớn nhất. Đến hết năm 2023, triển vọng giá trị vốn vay bằng đồng Yên của Nhật Bản dành cho Việt Nam có thể lần đầu vượt 100 tỷ Yên, kể từ năm tài khóa 2017. Trong đó, vốn ODA của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị, là 3 lĩnh vực trụ cột trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Về thương mại, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Namm.
Đặc biệt, theo ông Chiến, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước không có sự cạnh tranh trực tiếp.
Cụ thể, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng gồm: thủy sản, dầu thô, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại… Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
“Có thể nói nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung chính cho Nhật Bản” - ông Chiến nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, ông Chiến cho biết, Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương nhất với Việt Nam, cụ thể là: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Từ góc độ đối tác Nhật Bản, ông Yoshioka Takeomi - Chuyên gia Viện Thương mại và Đầu tư Quốc tế (ITI), Nhật Bản nhận định, trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi doanh nghiệp hai bên khai thác hiệu quả những lợi thế, ưu đãi từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà hai nước cùng tham gia.
Theo đó, lưu ý đến các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng các FTA nhằm thúc đẩy gia tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, ông Yoshioka Takeomi chia sẻ, mỗi hiệp định có những ưu đãi khác nhau, do đó doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về từng hiệp định, cũng như những ưu đãi cụ thể đối với ngành hàng của doanh nghiệp mình, từ đó lựa chọn sử dụng hiệp định có lợi nhất.
Tuy nhiên, điểm chung của các hiệp định là có những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, truy suất nguồn gốc, do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm giải pháp để đáp ứng được yêu cầu này thì mới được hưởng các ưu đãi về cắt giảm thuế quan.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng là một thị trường tương đối khó tính, đòi hỏi những yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì vậy, doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực trong việc đáp ứng các yêu cầu này thì mới có thể xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Năm 2014, hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Cuối tháng 11/2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.