Gỡ “nút thắt” cho điện khí LNG phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 09/12/2023
Nhiều rào cản hạn chế phát triển điện khí LNG
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chuyển dịch năng lượng bền vững, giảm mạnh điện than thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước trong thời gian gần đây.
Phát triển điện khí LNG có nhiều ưu điểm, đó là góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn; không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời. Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ trọng khá cao trong hệ thống hiện nay.
Đặc biệt, điện khí LNG có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx ra môi trường (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu), qua đó giúp ngành điện phát triển xanh hơn, góp phần thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, song theo chuyên gia kinh tế PGS,TS. Ngô Trí Long, việc phát triển điện khí LNG đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức “cản đường”.
Phân tích cụ thể, ông Long cho biết, khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển các dự án LNG vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.
Bên cạnh đó, giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cũng như chưa có cam kết về bao tiêu sản lượng điện hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…
Vấn đề kho chứa cũng là một thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho chứa LNG được xây dựng đưa vào vận hành tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; còn nhiều kho chứa LNG khác mới đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.
Về phía các doanh nghiệp, theo ông Hoàng Quang Phòng, việc đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại, nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, khuôn khổ pháp luật chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới này…
Cần giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển điện khí LNG
Chia sẻ tại Diễn đàn “Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” mới diễn ra, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển nguồn điện nền trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối có công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Trước thực tế đó, thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện khí LNG sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, cũng như hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí theo Quy hoạch Điện VIII.
Đưa khuyến nghị về giải pháp, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp, nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn song song với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Đây chính là các hộ tiêu thụ và là cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện, khi đó các cam kết trong hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế để cho phép các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện. Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng dự trữ, tái hóa khí.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế sâu rộng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về điện khí LNG; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả, tối ưu điện khí LNG. Mở rộng hợp tác quốc tế cũng giúp Việt Nam lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai các dự án điện khí LNG.
Đưa thêm khuyến nghị liên quan đến cơ chế giá điện, ông Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, giá thành sản xuất điện từ khí LNG cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, cần phải có một khung giá điện đối với điện khí LNG. Theo đó, khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng dựa trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở) và có hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG.
“Mức giá LNG luôn có những biến động, thay đổi lớn trên thị trường quốc tế vốn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng do LNG chiếm cấu phần lớn trong giá thành điện nên hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường điện khí LNG” - ông Phụng nhấn mạnh.
Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu, đến năm 2030 đưa 13 nhà máy điện khí LNG vào vận hành; chuyển đổi thay thế 18 GW điện than bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.