Tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 14:15, 10/12/2023

(BKTO) - Hội thảo “Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, chia sẻ, tham góp nhằm tìm kiếm những giải pháp thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam trong thời gian tới.
hoi-thao.jpeg
Chủ trì Hội thảo

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo khoa học được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, cả nước đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này; triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

hoi-thao2.jpeg
GS, TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn, GS, TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, phân cấp, phân quyền là xu hướng quản trị ở các quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả; giảm thiểu áp lực cho Trung ương cũng như tăng cường trách nhiệm và giải trình trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ở Việt Nam, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đẩy mạnh. Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Khóa XII đề ra chủ trương: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”.

Thực hiện phân cấp, phân quyền trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đã góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác và tận dụng các nguồn lực phát triển của địa phương hiệu quả hơn, một số địa phương đã tự bảo đảm ngân sách, khẳng định vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước. Đồng thời, qua thực hiện phân cấp, phân quyền đã góp phần bảo đảm sự quản lý, điều hành của Trung ương thông suốt hơn, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong một nhà nước thống nhất, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương còn những hạn chế, bất cập: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, còn máy móc, chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; vẫn còn tình trạng tập trung quyền lực khá cao vào các cơ quan Trung ương, chưa mạnh dạn giao quyền cho địa phương; mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp, các địa phương gần giống nhau, trong khi lại áp dụng cho các đơn vị hành chính - lãnh thổ rất khác nhau (miền núi, hải đảo...) nên chính quyền địa phương khó hoạt động hiệu quả, nhiều địa phương chưa phát huy được thế mạnh của mình; chưa kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; cũng như chưa xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phân cấp, phân quyền…

Theo GS, TS. Lê Văn Lợi, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18 gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bảo đảm thực hiện tốt phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam, chúng ta phải đối diện với nhiều vấn đề lớn: Trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và tình hình thực tế hiện nay, cần đổi mới mô hình tổng thể và tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như thế nào, nhất là mô hình tổ chức của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, mô hình thí điểm về chính quyền đô thị…

Cùng với đó, làm thế nào để tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm; phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm điều kiện và nguồn lực tổ chức thực hiện. Làm thế nào để vừa bảo đảm hoạt động quản lý, điều hành đồng bộ, thống nhất, liên thông, vừa bảo đảm linh hoạt, kịp thời. Làm thế nào để tinh, gọn bộ máy, giảm tầng nấc, giảm biên chế, quản lý công chức, viên chức, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...

hoi-thao1(1).jpeg
Quang cảnh Hội thảo 

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương. Đâu là giải pháp hữu hiệu để xây dựng được hệ thống chính sách và các chương trình, kế hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong phân cấp, phân quyền thời gian qua, đồng thời thực hiện tốt phân cấp, phân quyền, góp phần đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả… - GS, TS. Lê Văn Lợi nói.

Tại Hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, đại biểu đến từ các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu từ Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh... đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề như: Căn cứ lý luận và thực tiễn nào là “căn cốt” cho việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay; Những “điều kiện/tiền đề”, “công cụ/phương tiện” hay “phương thức” nào để thúc đẩy có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về thực hiện phân cấp, phân quyền Trung ương và địa phương và các bài học có giá trị tham khảo cho Việt Nam cũng như đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về phân cấp, phân quyền đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia./.

MINH CHÂU