Tạo "đòn bẩy" chính sách thuế để phát triển của khoa học, công nghệ
Tài chính - Ngày đăng : 10:35, 11/12/2023
Bên lề Hội thảo “Chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp với Phân hội Kiểm toán viên nhà nước Việt Nam tổ chức, PGS,TS. Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đã chia sẻ về vấn đề này với Báo Kiểm toán.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của chính sách thuế đang đối với sự phát triển của lĩnh vực KHCN hiện nay?
Hoạt động KHCN rất đa dạng, được tiến hành bởi nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan trong tất cả các khâu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ. Các yếu tố đầu vào, chi phí bỏ ra cho hoạt động KHCN đều chịu sự tác động của pháp luật thuế trên cả 2 phương diện nội dung chính sách và quản lý thuế.
Nhìn chung, chính sách thuế đối với KHCN của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) KHCN, các DN đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Đơn cử, pháp luật về thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định không áp thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho KHCN thuộc diện miễn thuế.
So với các lĩnh vực khác, ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng đối với lĩnh vực KHCN, hoạt động KHCN luôn ở mức cao nhất, như: Miễn (không thu thuế TNDN) đối với những khoản thu nhập của DN, tổ chức có được từ hoạt động KHCN; áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn tối đa 15 năm đối với các trường hợp như thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn khu công nghệ cao.
Đặc biệt, nhằm khuyến khích, thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, Điều 45 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 đã có quy định, hàng năm DN trích một phần lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN. Quy định này được đưa vào Điều 17 của Luật Thuế TNDN, theo đó mức trích tối đa hàng năm đến 10% thu nhập tính thuế.
Ngoài ra, thuế xuất khẩu, nhập khẩu đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu hoặc biên giới Việt Nam cũng quy định một số đối tượng được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực KHCN như: Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư của tổ chức KHCN được miễn thuế 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ…
Các trường hợp miễn thuế nhập khẩu như trên tạo điều kiện hạ giá thành của hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và một số lĩnh vực rất quan trọng liên quan đến phát triển KHCN, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ cao, nội dung số…
Như vậy, có thể thấy chính sách thuế là một trong những “đòn bẩy” được Nhà nước sử dụng để thúc đẩy phát triển KHCN. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, cả quy định lẫn công tác quản lý đối với lĩnh vực này còn không ít bất cập. Xin ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Bên cạnh những tác động tích cực, chính sách thuế đối với hàng hóa và công nghệ vẫn có một số hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, đối với ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu và thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu, những vướng mắc nổi lên gồm: Xác định đúng mã số HS của hàng hóa nhập khẩu (làm cơ sở áp thuế suất); xác nhận hàng hóa nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được và xác nhận hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho KHCN, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KHCN, đổi mới công nghệ.
Theo quy định, các Bộ sẽ ban hành danh mục để các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc kê khai. Tuy nhiên, thực tế hàng hóa rất đa dạng, rất khó tự xác định khi đối chiếu với các bảng danh mục do cơ quan nhà nước ban hành. Thực tiễn cho thấy, người nhập khẩu không dễ dàng trong việc thực hiện các thủ tục xác nhận của các cơ quan nêu trên. Không ít người cho rằng, sau khi trải qua các công đoạn thủ tục, chi phí thực tế bỏ ra còn vượt quá số tiền thuế được ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thứ hai, ưu đãi thuế TNDN chủ yếu theo thu nhập mà không theo chi phí dẫn đến bất lợi cho tổ chức hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, hiện không có ưu đãi thuế TNDN đối với đối tượng hoạt động khoa học khác mà không phải là DN. Quy định về thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế TNDN áp dụng đối với các DN mà không áp dụng đối với các tổ chức KHCN khác dẫn đến một số trung tâm của các hội và trung tâm của các tổ chức xã hội không được hưởng loại ưu đãi này. Điều này gây bất lợi cho hoạt động của một số trung tâm hoạt động KHCN.
Thứ ba, chưa có chính sách ưu đãi thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN. Việc đưa vào thu nhập không chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải thưởng quốc gia trong các lĩnh vực trong đó có KHCN là chưa đủ để thu hút nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao làm việc tại Việt Nam.
Đã có không ít nhà khoa học vô tình bị truy thu, nộp thêm vài trăm triệu đồng thuế TNCN do họ không biết, không rõ. Thực tế cho thấy là nhiều nhà khoa học đứng tên chủ nhiệm hoặc người thực hiện chính tại các công trình khoa học, tuy nhiên, công trình do nhiều người cùng thực hiện, thu nhập thực tế được trả cho từng người. Điều này nếu không giải quyết tốt sẽ gây nản lòng nhà khoa học.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, nhà nghiên cứu, ông có đề xuất gì để tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng chính sách thuế, nhằm thúc đẩy sự phát triển của KHCN, thưa ông?
Thứ nhất, quy định về chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực KHCN đã có, song quy trình thủ tục để thực hiện còn phức tạp, rườm rà, hay nói cách khác là có quy định còn chưa rõ ràng; việc thực thi cũng chưa thông suốt. Ví dụ, thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT cũng ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, song phải thêm điều kiện là các hàng hóa nhập về phải thuộc danh mục hàng hóa trong nước chưa sản xuất được. Chúng ta cũng đã có danh mục này, nhưng mã số (HS) chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến tình trạng không thống nhất trong xác định mã giữa DN và hải quan. Do đó, đề nghị danh mục hàng hóa phục vụ KHCN sản xuất được trong nước cần phải ghi rõ mã số này, làm căn cứ đối chiếu hải quan cho thuận lợi.
Thứ hai, cần xem xét cần mở rộng đối với ưu đãi thuế TNDN không chỉ đối với thu nhập của DN KHCN, DN công nghệ cao mà còn áp dụng đối với các tổ chức KHCN để tạo động lực sáng tạo KHCN cho các tổ chức. Đây cũng là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, cần bổ sung vào thu nhập miễn thuế TNCN đối với thu nhập của cá nhân từ thực hiện các đề tài khoa học, thu nhập từ các sáng chế, phát minh. Đồng thời, giảm thuế suất thuế TNCN cao nhất từ 35% xuống còn 30% để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN nói riêng./.