Dấu ấn công tác điều hành tài chính - ngân sách 2015 và vai trò của KTNN
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:00, 02/02/2016
(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trảlời phỏng vấn của Báo Kiểm toán
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
* Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết những dấu ấn trong công tác điều hành tài chính – ngân sách năm 2015 của Bộ Tài chính.
- Năm 2015 khép lại năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với nhiều điểm sáng tích cực. Đó là, tăng trưởng GDP đạt mức cao, lạm phát thấp, sản xuất kinh doanh phục hồi rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện một bước quan trọng; vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia được đảm bảo. Cùng với thành tựu chung của cả nước, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, nổi bật là:
Thứ nhất, toàn ngành đã tập trung nỗ lực đẩy mạnh cải cách hệ thống thể chế tài chính theo định hướng XHCN; phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; gắn với cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, khơi thông, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia. Quá trình hoàn thiện thể chế tài chính cũng đã góp phần vận hành đồng bộ, thông suốt các loại hình thị trường, nhất là thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Tính chung trong giai đoạn 5 năm qua, ngành Tài chính thực hiện nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội 20 Luật; 4 Nghị quyết của Quốc hội; 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 99 Nghị định của Chính phủ và 108 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ… trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Thứ hai, chính sách tài chính năm 2015 nói riêng và cả giai đoạn 2011-2015 nói chung đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, kiên định việc thực hiện quản lý và điều hành giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu, điều chỉnh giá dịch vụ công... theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu và cắt giảm lộ trình thuế quan theo yêu cầu hội nhập quốc tế, ngành Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và các địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính- NSNN. Nhìn chung, thu NSNN năm sau luôn cao hơn năm trước, tổng thu NSNN giai đoạn 2011-2015 cao gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Trong năm 2015, tổng thu NSNN vượt mức dự toán Quốc hội giao, do tăng thu nội địa thông qua việc tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát việc hoàn thuế; tập trung thu hồi nợ đọng thuế, không để phát sinh các khoản nợ mới. Nhờ đó, năm 2015 NSNN đã không phải sử dụng đến khoản thu từ cổ phần hóa DN để hỗ trợ cân đối NSTW như đã báo cáo Quốc hội.
Về chi NSNN, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã thực hiện các biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Chi NSNN năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015 được thực hiện chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế và Hải quan đã tiến một bước rất quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong năm 2015, đã rà soát, chuẩn hoá 70 quy trình, quy chế; cắt giảm 63 thủ tục, đơn giản hóa 50 thủ tục liên quan đến thuế nội địa; đã ban hành mới 23 thủ tục, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục, đề xuất phương án đơn giản hóa 11 thủ tục về Hải quan. Tính chung, năm 2015 đã giảm thêm được 50 giờ nộp thuế, đưa tổng số giờ nộp thuế xuống còn 117 giờ - tương đương với các nước ASEAN 6, số DN kê khai nộp thuế điện tử đạt 98,5% và DN thực hiện nộp thuế điện tử đã đạt 90,8%, vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ; Triển khai hải quan điện tử tại 100% Cục và Chi cục Hải quan địa phương, chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN.
Thứ năm, quản lý có hiệu quả, đảm bảo an toàn nợ quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, trong bối cảnh nợ công đang có xu hướng tăng, nhiệm vụ cơ cấu lại nợ công đã và đang được tiến hành và sẽ tiếp tục kéo dài nhằm đảm bảo bền vững nợ quốc gia.
Thứ sáu, tái cơ cấu trong lĩnh vực tài chính - NSNN được thực hiện đồng bộ và đạt các kết quả quan trọng. Trong đó, thể chế chính sách đối với tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các thị trường tài chính (chứng khoán và bảo hiểm) tiếp tục được rà soát và hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện và đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngành Tài chính vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Trước hết cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng và triển khai thực hiện thể chế, chính sách tài chính nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, tiếp tục đảm bảo an toàn nợ công, quản lý sử dụng hiệu quả nợ công, bền vững nợ công. Theo đó, rà soát đánh giá lại Luật Quản lý nợ công để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung; đánh giá, điều chỉnh Chiến lược nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phù hợp với các yêu cầu mới về đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Ba là, vấn đề cân đối NSNN, đặc biệt trong bối cảnh cân đối NSNN còn khó khăn, chi thường xuyên vẫn đang chiếm tỷ trọng cao trong dự toán chi NSNN, sẽ ảnh hưởng lớn đến dành nguồn cho chi đầu tư phát triển và chi trả nợ. Do vậy, cần phải từng bước cơ cấu lại NSNN, trong đó, cơ cấu lại chính sách thu phải đảm bảo thúc đẩy sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, cắt giảm lộ trình thuế quan, vừa bảo đảm cân đối NSNN. Đồng thời tiếp tục phải cắt giảm bội chi theo lộ trình và yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng nhằm đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Cùng với đó là tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách khu vực sự nghiệp công; tiếp tục nghiên cứu, đề ra chính sách khuyến khích phát triển đội ngũ DN, doanh nhân; phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính đi đôi với sắp xếp, nâng cao hiệu quả bộ máy, tăng cường đào tạo lại đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ Thuế, Hải quan để phù hợp với tình hình mới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế đánh giá công chức, viên chức. Tăng cường trách nhiệm và năng lực của cơ quan quản lý tài chính các cấp.
* Luật KTNN(sửa đổi) với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016. Bộ trưởng có kỳ vọng gì về hoạt động kiểm toán của KTNN đối với công tác điều hành, quản lý tài chính - ngân sách khi Luật này được triển khai?
- Thời gian qua, Bộ Tài chính và KTNN đã có sự phối kết hợp rất chặt chẽ trên nhiều mặt công tác, như: lập dự toán NSNN và phân bổ NSTW, kiểm toán quyết toán NSNN hàng năm; tổ chức, đôn đốc thực hiện các kết luận kiểm toán của KTNN... để cùng thực hiện mục tiêu chung là tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN. Qua đó đã từng bước tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng NSNN và tài sản nhà nước hướng tới tiết kiệm, hiệu quả hơn. Thông qua công tác kiểm toán, nhiều chính sách, chế độ quản lý tài chính và NSNN đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn; các sai phạm trong sử dụng kinh phí NSNN do KTNN phát hiện, kiến nghị đã được xử lý, thu hồi vào NSNN.
Luật KTNN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 đã thể chế hóa các quy định tại Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ với các Luật có liên quan (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật NSNN, Luật Phòng, chống tham nhũng...), nâng cao tính độc lập trong tổ chức, hoạt động của KTNN và mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán (quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, cơ quan quản lý nợ công, DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ...). Với những quy định mới này, vai trò của KTNN được tăng cường hơn, chất lượng hoạt động sẽ nâng lên, qua đó góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý tài chính - NSNN và có tác động tích cực hơn đến công tác quản lý, sử dụng NSNN trong thời gian tới.
* Việc phối hợp triển khai thi hành các quy định trong Luật KTNN (sửa đổi) cần được thực hiện ra sao để đảm bảo đồng bộ với các Luật khác, nhất là Luật NSNN (sửa đổi) và các Luật về thuế, thưa Bộ trưởng?
- Để việc triển khai thi hành Luật KTNN (sửa đổi) đồng bộ với các luật về tài chính - NSNN (như các Luật về thuế, Luật NSNN...), trong quá trình xây dựng dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN (sửa đổi) sau này, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo các văn bản liên quan, tham gia, đóng góp ý kiến chỉnh sửa để đảm bảo quy định của các bộ luật là thống nhất và khả thi trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, chế độ còn bất cập đã được KTNN phát hiện, kiến nghị.
Trong tổ chức thực hiện, căn cứ vào kế hoạch triển khai thi hành Luật của KTNN, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của KTNN xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm, kiểm toán theo chuyên đề, đảm bảo tính toàn diện và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Chúng tôi cũng thông báo cho nhau về những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan (nếu có) để kịp thời xử lý.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của KTNN theo quy định của pháp luật, bao gồm cả kinh phí triển khai thực hiện Luật KTNN (sửa đổi), góp phần sớm đưa Luật vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thực tiễn.
*Xin cảm ơn Bộ trưởng!
NGỌC MAI (thực hiện)