Lao động kỹ năng thấp dễ mất việc làm khi phát triển kinh tế xanh

Xã hội - Ngày đăng : 22:29, 11/12/2023

(BKTO) - Quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh như: Tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động...
Lao động kỹ năng thấp dễ mất việc làm khi phát triển kinh tế xanh
Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hạnh An.

Chiều 11/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế về Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tháng 12.2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia tiên phong sau Nam Phi và Indonesia tham gia vào Tuyên bố Chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu, nhằm huy động 15,5 tỉ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy rằng quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh như: Tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động, sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh.

"Đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi năng lượng và các nỗ lực giảm lượng khí thải ví dụ như khả năng chi trả năng lượng xanh, sạch…" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hạnh An.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hạnh An.

Ông Tuấn cho rằng những tác động không mong muốn trong lĩnh vực lao động và xã hội, đòi hỏi các bên liên quan cần giải quyết và hoàn thiện nhiều vấn đề. Ví dụ như việc xây dựng các chính sách chuyển đổi năng lượng và giảm lượng khí thải nhà kính cần đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của chính sách đến các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tộc thiểu số, nữ giới, lao động kỹ năng thấp… Theo ông Tuấn, trong thực tế thực hiện, sẽ có những nhóm người dân không thể theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng và vận hành thị trường carbon nên sẽ bị rủi ro không có việc làm, mất việc làm.

Do vậy, đòi hỏi phải có chính sách an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ để họ tiếp cận được năng lượng sạch; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, phát triển sinh kế bền vững và tạo việc làm thỏa đáng, việc làm xanh. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các kỹ năng mới nên hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo phải có sự điều chỉnh, đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới, dự báo được số việc làm mới tạo ra hoặc mất đi của nền kinh tế.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá đây là "cơ hội vàng" để Việt Nam có thể đảm bảo, nâng cấp vấn đề về an sinh xã hội, chuyển đổi xanh, đưa mức phát thải ròng về “0”.

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế khẳng định bên cạnh cơ hội, người lao động cũng cần trang bị kỹ năng để chuyển đổi việc làm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và người lao động

HẠNH AN