Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 13:08, 12/12/2023
Khách mời tham dự Tọa đàm có: ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VII.
Ông Ngô Minh Kiểm cho biết, trước đây, kiểm toán báo cáo quyết toán được thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán, vừa kiểm toán báo cáo quyết toán, vừa kiểm toán hiệu quả, vừa kiểm toán tuân thủ lồng ghép rất nhiều các chuyên đề. Thực hiện những cuộc kiểm toán như vậy thì rất dài, thời gian nhiều, quy mô rất lớn, lực lượng không thể làm hết được. Chính vì thế, KTNN đã cải tiến. KTNN khu vực VII là đơn vị đầu tiên được giao thực hiện thí điểm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại Lai Châu và Quảng Ngãi.
Năm 2021, KTNN đã thí điểm thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại Lai Châu và Quảng Ngãi. Trên cơ sở triển khai thí điểm, năm 2022, KTNN đã kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của 25 đơn vị Bộ, cơ quan trung ương và 60 địa phương, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, KTNN tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của 27 đơn vị Bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quyết toán ngân sách. Đáng lưu ý, có những bất cập tồn tại qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được các Bộ, ngành, địa phương khắc phục.
Năm 2021, ngay từ đầu năm, KTNN khu vực VII đã triển khai xây dựng đề cương này. Đến tháng 8/2021, đơn vị đã ban hành đề cương. Sau khi hoàn thành dự thảo, đơn vị đã gửi cho các Vụ chức năng, Vụ tham mưu thẩm đinh, ban hành đề cương kiểm toán. Trên cơ sở đó, KTNN khu vực VII triển khai thí điểm cuộc kiểm toán đầu tiên kiểm toán ngân sách của tỉnh Lai Châu. Đây là cuộc đổi mới trong công tác kiểm toán.
“Kết quả quan trọng nhất đưa ra ý kiến xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đơn vị đã triển khai rất tốt vấn đề này” - ông Kiểm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo ông Kiểm, kết quả của cuộc kiểm toán này khác so với các cuộc kiểm toán trước đây ở chỗ, đơn vị đã kiểm toán tăng cường tổng hợp là chính chứ không làm theo phạm vi rộng, không lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán. Kết quả, đơn vị đã phát hiện xử lý tài chính khoảng 352 tỷ đồng.
Đặc biệt, liên quan đến việc chấp hành không đúng vấn đề chuyển nguồn, đơn vị đã phát hiện 328 tỷ đồng tiền chuyển nguồn không đúng. Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến tăng thu ngân sách, giảm thanh toán số liệu trong phần giá trị, cũng rất lớn trong giá trị đó...
Không chỉ phát hiện những sai sót và đưa ra ý kiến xác nhận tính trung thực của báo cáo tài chính, quan trọng hơn nữa, cuộc kiểm toán đã phát hiện ra những bất cập trong quản lý điều hành ngân sách. Đơn cử, liên quan đến thu ngân sách, rất nhiều các doanh nghiệp chưa chấp hành đúng quy định về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Hay, công tác theo dõi nợ thuế của cơ quan thuế không được đều, đặc biệt liên quan đến vấn đề nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền khoáng sản.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm
Về chi ngân sách, cuộc kiểm toán chỉ rõ: Công tác lập dự toán ngân sách chưa đúng, chưa đầy đủ và chưa sát với thực tế, đặc biệt là chỉnh sửa nhiều lần; chưa ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Nam cho hay, theo quy định của Luật KTNN, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, KTNN phải có trách nhiệm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trước khi Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Đây cũng là yêu cầu rất quan trọng cần phải thực hiện nhằm đảm bảo cung cấp thông tin tin cậy giúp Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách hằng năm.
Trên phương diện pháp luật, quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán tại Điều 7 Luật KTNN đã nêu rất cụ thể. Theo đó, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách của KTNN thực hiện chính là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
“Còn trên góc độ thực tế, với vai trò là cơ quan độc lập, nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo quy định của pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước cũng đã khẳng định được những kết quả rất tích cực, đáng ghi nhận” - ông Nam khẳng định.
Ông Nam cho biết, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước đã đánh giá, xác nhận kết luận về tính trung thực của thông tin, số liệu báo cáo quyết toán ngân sách.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước đã đánh giá về việc tuân thủ các quy định pháp luật về tài chính ngân sách, đồng thời đánh giá được tính hiệu quả trong quản lý nguồn lực tài chính công, tài sản công.
Thông qua kiểm toán, KTNN đã có kiến nghị rất quan trọng trong đảm bảo việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm đáp ứng theo yêu cầu quản lý và phù hợp với quy định pháp luật, đồng thời cũng góp phần chấn chỉnh, khắc phục các hành vi vi phạm cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ quy định pháp luật quản lý tài chính ngân sách, hướng đến một nền tài chính công minh bạch và bền vững.
Cụ thể, ông Nam dẫn chứng, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, ngoài những đánh giá về: lập, giao dự toán, chấp hành ngân sách nhà nước, nợ công, bội chi, còn có những kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách. Đồng thời, thông qua kiểm toán, KTNN cũng thấy còn một số hạn chế cần phải tiếp tục xem xét, đã kiến nghị Quốc hội, tức là yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính để xem xét, rà soát những hạn chế đó để xử lý theo Điều 73 Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo được việc tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo quyết toán ngân sách đạt được kết quả và mục tiêu như mong đợi.
“Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước mà Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày trước Quốc hội đã đáp ứng được những mục tiêu mà theo quy định của pháp luật cũng yêu cầu quản lý đặt ra. Đặc biệt khi công bố công khai trước Quốc hội, trước nghị trường, báo cáo cũng giúp cho các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm, tin cậy vào số liệu quyết toán mà Chính phủ trình trước khi bấm nút...” - ông Nam khẳng định.
Là chuyên gia theo dõi sát sao hoạt động của KTNN, ông Đặng Văn Thanh khẳng định, báo cáo về tài chính, báo cáo về kiểm toán tài chính là một văn bản có giá trị pháp lý của cơ quan KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp. Chúng ta phải khẳng định rằng, đây là những căn cứ mang tính pháp lý, trước hết để phục vụ cho Quốc hội - các cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, phục vụ Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực tại địa phương, để thực hiện chức năng của mình với tư cách là cơ quan dân cử, trong đó có chức năng quyết định các vấn đề của đất nước. Trong quyết định các vấn đề của đất nước, có quyết định về dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, đồng thời thực hiện chức năng giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động về tài chính ngân sách.
“Báo cáo của KTNN hay thông tin trên báo cáo của KTNN về vấn đề ngân sách, về vấn đề tài chính là một căn cứ quan trọng và là căn cứ mang tính pháp lý giúp các đại biểu Quốc hội hình thành ý kiến của mình khi quyết định và bày tỏ chính kiến về quyết toán ngân sách” - ông Thanh đánh giá.
Cũng tại Tọa đàm, các khách mời đã bàn thảo về việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, cũng như việc hoàn thiện các hướng dẫn, giải pháp tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán này, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị của báo cáo kiểm toán./.
Những thông điệp mà các khách mời chia sẻ tại Toạ đàm sẽ được Báo Kiểm toán đăng tải trên số báo 50, phát hành ngày 14/12/2023 và đăng tải trên Báo điện tử Kiểm toán.