Dấu hiệu phục hồi ngày càng tích cực hơn
Kinh tế - Ngày đăng : 15:34, 12/12/2023
Hoạt động sản xuất kinh doanh dần chuyển biến
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương nhận định, tình hình thế giới tháng 11 và 11 tháng năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro trước những yếu tố, diễn biến thiếu ổn định của kinh tế, chính trị toàn cầu.
Hàng loạt những yếu tố như nợ công, chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược (dầu thô, lương thực, chất bán dẫn…), các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cùng với những ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, bão lũ… tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, sự phục hồi và phát triển ổn định của các quốc gia.
Nỗ lực thích ứng với tình hình, kinh tế trong nước ngày càng phục hồi tích cực hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội mới để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ được sự dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng, các xu thế phát triển lớn toàn cầu về kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tài chính xanh…
Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, dần lấy lại đà tăng trưởng, ngày càng củng cố vững chắc các kết quả đã đạt được trên nhiều lĩnh vực. Các đối tác, tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng và kết quả điều hành vĩ mô của Việt Nam.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng nhận định, cùng với kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% so với cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Cùng với đó, thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò là trụ đỡ (là ngành cấp 1 chiếm quyền số cao nhất - chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp), quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng quý III và dự báo quý IV năm 2023” của Tổng cục Thống kê đã đưa ra kết quả: “67,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (30,1% tốt hơn và 37,5% giữ ổn định); 32,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Dự báo về quý IV, có 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn quý III (trong đó có 39,1% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 37,2% đánh giá là giữ ổn định); trong khi 23,7% doanh nghiệp đánh giá là khó khăn hơn.
Tổng cục Thống kê
Mặc dù những tháng qua, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức do đơn hàng sản xuất giảm, chi phí đầu vào tăng cao, kim ngạch xuất khẩu giảm... Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đã có những dấu hiệu khởi sắc.
Cùng với đó, tình hình doanh nghiệp thành lập mới cũng khả quan hơn. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương, sự chuyển biến rõ nét thể hiện bằng con số 14.267 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 với số vốn đăng ký gần 153,6 nghìn tỷ đồng, tuy giảm 7,6% về số doanh nghiệp nhưng tăng 22% về vốn đăng ký với tháng 10/2023. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19,5% và vốn đăng ký tăng 47%.
Xét trong 11 tháng năm 2023, cả nước có hơn 146 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký là 1.366,2 nghìn tỷ đồng.
Nhiều động lực thúc đẩy kinh tế phục hồi
Phân tích những động lực thúc đẩy kinh tế phục hồi, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung giải quyết; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, khẩn trương tổ chức thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua; tập trung nghiên cứu, tháo gỡ tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước, phân cấp, phân quyền…
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phải tập trung giải quyết những vấn đề mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, phát huy vai trò các Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
“Những khó khăn, vướng mắc, bất cập tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã đạt kết quả bước đầu, nhất là về cơ chế, chính sách, pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, điện, xăng dầu…” - Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương chỉ rõ.
Để tạo động lực tăng trưởng, nhiều dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm được khởi công; một số dự án được đưa vào khai thác, đã phát huy hiệu quả. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.
Trong tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, huy động các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học tham gia ý kiến các quy hoạch vùng để hoàn thiện trước khi trình Hội đồng thẩm định theo kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì những khó khăn, thách thức đang còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh; tạo sức ép lên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...
Do đó, theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, cần phải tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.