Đề xuất bổ sung nhiều loại chi phí tố tụng
Pháp luật - Ngày đăng : 08:04, 14/12/2023
Tiếp tục thực hiện chương trình Phiên họp thứ 28, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng - được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nên một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; một số quy định chưa chi tiết, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.
Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến, người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.
Đối với chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa thì pháp luật hiện hành chỉ quy định riêng cho đối tượng là luật sư, trợ giúp viên pháp lý mà chưa có quy định cho bào chữa viên nhân dân.
Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: mức chi cho Hội thẩm còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử; việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất; một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh… Do đó, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Dự thảo Pháp lệnh gồm 92 điều, 13 chương.
Trong đó, về chi phí tố tụng cụ thể, Dự thảo Pháp lệnh quy định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản, chi phí giám định, chi phí cho Hội thẩm, chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện do Tòa án chỉ định, chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài và chi phí tố tụng khác.
“Việc bổ sung một số chi phí tố tụng trong Pháp lệnh là để bảo đảm giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khắc phục khiếm khuyết của pháp luật tố tụng hiện hành về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự” - ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về phạm vi điều chỉnh, định mức chi
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Pháp lệnh, bao gồm các chi phí trong cả 3 lĩnh vực tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân dự, Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về các loại chi phí tố tụng, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật, do đó, việc quy định trong Dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH tán thành về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 được ban hành trước Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định rõ về 04 loại chi phí, đồng thời có nguyên tắc là các chi phí được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan. Pháp lệnh 02 cũng nói rõ phạm vi nhưng không phải là tất cả chi phí tố tụng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung của Pháp lệnh này.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm, những chi phí nào để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng thì phải đảm bảo tối đa theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, kinh nghiệm thế giới.
Để bảo đảm tính khả thi của Dự án Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không ủy quyền cho một cơ quan khác quy định chi tiết hướng dẫn của Pháp lệnh. Tuy nhiên thực tiễn muốn chi được thì cần phải có quy định về định mức chi, tiêu chuẩn chi, cách chi đúng… Vì vậy, Pháp lệnh này chỉ nên quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào thì sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan quy định mức chi, dự toán chi cụ thể.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH giao Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với TANDTC và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các phiên họp, tọa đàm…, đặc biệt là phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp mời các chuyên gia tham gia thêm ý kiến về nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, UBTVQH đồng ý việc ban hành Pháp lệnh; đồng ý quy định các loại chi phí tố tụng một cách đầy đủ, bao quát để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng trong thực hiện nhiệm vụ; tạo điều kiện cho công dân, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị cần tiếp tục giải trình làm rõ về phạm vi, tên gọi của Dự thảo Pháp lệnh; định mức chi, cách thức chi… Các nội dung này cần phải được giải trình đầy đủ, đúng thẩm quyền, đúng thủ tục, đúng trình tự, phải tháo gỡ được thực tiễn các vấn đề đang đặt ra, nhằm tạo điều kiện tốt nhất, quy định một cách đầy đủ nhất theo đúng thẩm quyền các cơ quan tố tụng, các cơ quan tư pháp và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.