Huy động nguồn lực chuyển đổi năng lượng công bằng
Pháp luật - Ngày đăng : 13:53, 14/12/2023
Các đối tác cam kết hỗ trợ ban đầu 15,5 tỷ USD
Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) mới đây, Việt Nam đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững; nhấn mạnh Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT)- ông Tăng Thế Cường - cho biết, thông qua JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề...
Theo đó, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, Nhóm IPG cam kết huy động nguồn tài chính 7,75 tỷ USD với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
“JETP là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu, đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0” - ông Cường nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, kế hoạch huy động nguồn lực được công bố tại COP28 là dấu mốc mới trong nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững. Sự hợp tác quốc tế và cam kết của các đối tác sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Huy động nguồn lực của Việt Nam sẽ tập trung vào 8 nhóm
Tuy nhiên, theo ông Cường, nguồn tài chính do các đối tác cam kết huy động hiện nay mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, vì thế Việt Nam sẽ tiếp tục huy động và sử dụng nguồn ngân sách và huy động từ khối tư nhân.
Kế hoạch huy động nguồn lực của Việt Nam sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ chính: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải; đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng.
Kế hoạch huy động nguồn lực là dấu ấn quan trọng trong quá trình triển khai JETP, thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng. Quá trình chuyển đổi năng lượng cần bền vững, bảo đảm giá cả phải chăng, góp phần nâng cao đời sống và tạo cơ hội cho mọi người dân.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT - cho biết, theo kinh nghiệm trên thế giới, để huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng, nhiều nước đã thiết lập cơ chế tạo lập thị trường carbon nội địa. Theo đó, cùng một mặt hàng, doanh nghiệp sản xuất có phát thải thì phải đóng thuế cao hơn, doanh nghiệp không phát thải thì được miễn một số tiền hỗ trợ. Đơn cử tại Mỹ, ô tô xăng bán ra thị trường thì thuế rất cao, nhưng ô tô điện thì được hỗ trợ rất nhiều. Philippines hay châu Âu cũng làm như thế. Đấy là cách đơn giản mà các nước vẫn làm. Ngoài ra, ngân sách cũng dành một khoản nhất định cho vấn đề này.
Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia, chuyển đổi công nghệ quản trị, đánh giá và xử lý tác động, huy động tài chính, thúc đẩy hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế để chuyển đổi nhanh. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống quản trị thông minh.
Trước đó, thực hiện Tuyên bố JETP, ngày 31/8/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai JETP. Theo Tuyên bố JETP, Việt Nam cần phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Đáng chú ý, Thủ tướng đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP. Trên cơ sở đó, Ban Thư ký JETP đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, nhất là việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Kế hoạch đề ra lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng; các nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên lựa chọn dự án, huy động nguồn tài chính cần thiết để thực hiện JETP./.