Phát triển năng lượng hydrogen - xu hướng tất yếu

Xã hội - Ngày đăng : 13:53, 14/12/2023

(BKTO) - Tại Việt Nam, việc phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của thế giới.
15.jpg
Hydrogen đã được thế giới đánh giá là nguồn năng lượng sạch và không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng. Ảnh: ST

Nguồn năng lượng sạch không thể thiếu

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, hydrogen đã được thế giới đánh giá là nguồn năng lượng sạch và không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Điểm tên những quốc gia, khu vực đi đầu trong lĩnh vực này có thể kể đến: EU, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Australia, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, đáng chú ý nhất là EU - bởi khu vực này đang tập trung phát triển mạnh về hydrogen xanh với mục tiêu đạt 13-14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Chiến lược sẽ bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với cam kết của Việt Nam nhằm thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.

Như vậy, cùng với cam kết của Việt Nam tại COP26 nhằm hướng tới phát triển và tăng sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch hơn và giảm năng lượng hóa thạch, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam chính là phát triển hydrogen xanh.

Trao đổi với một số doanh nghiệp năng lượng hàng đầu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ một số doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để triển khai các dự án Hydrogen xanh, cũng như phát triển năng lượng sạch phù hợp với định hướng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Cần đẩy mạnh sản xuất và ứng dụng hydrogen

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết. Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ KHĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; tiếp đó là Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ tăng trưởng xanh cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần có những bước đột phá và quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, hệ sinh thái hydrogen sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40.000-50.000 việc làm cho thị trường nội địa.

Cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 và Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), phát triển sản xuất và ứng dụng hydrogen trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, sản xuất điện và các nguồn năng lượng xanh được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở cả cấp quốc gia và cấp ngành vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cũng như phát huy hiệu quả của quá trình thực thi nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng, sản xuất hydrogen xanh cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.

Đưa ra khuyến nghị và giải pháp đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để tiến trình hydrogen hóa diễn ra một cách thuận lợi, hiệu quả, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị vốn, trang bị công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần không ngừng học hỏi và cập nhật kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đi trước để tối ưu hóa trong nghiên cứu và thử nghiệm, đạt hiệu quả cao trong quá trình đổi mới sáng tạo./.

QUỲNH ANH