Nội lực phải đủ tầm
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:54, 14/12/2023
Độ liên kết, lan tỏa còn yếu
Sau hơn 35 năm thu hút FDI, sự có mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, cũng như đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước… Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, chất lượng thu hút FDI vẫn còn những hạn chế anhất định, một trong số đó là mức độ liên kết, lan tỏa giữa khu vực DN FDI và DN trong nước vẫn còn khá yếu.
Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho biết, về thực hiện chuyển giao công nghệ, theo số liệu của các cơ quan chức năng, tính từ ngày 01/7/2018 đến hết năm 2022, cả nước có trên 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của các DN FDI, tuy nhiên, các hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu là hợp đồng chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ tại nước ngoài cho công ty con được thành lập để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ do DN Việt Nam ký trực tiếp với đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô vốn FDI đã tăng trưởng mạnh từ mức 1,3 tỷ USD năm 1991 lên khoảng 29 tỷ USD năm 2022. Số dự án FDI tăng từ 152 dự án vào năm 1991 lên 2.036 dự án vào năm 2022. Lũy kế, sau hơn 35 năm thu hút FDI, đến nay Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI.
Tương tự, đối với việc mua nguyên liệu của các DN Việt Nam, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, trong khi 90% DN FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ thị trường trong nước, thì tại Việt Nam tỷ lệ này chỉ khoảng 60%. Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cũng cho thấy mức độ liên kết của DN Nhật Bản với các DN Việt còn rất hạn chế. Thể hiện là, chỉ có 37,4% DN Nhật Bản mua nguyên liệu và thành phần thô đầu vào từ các DN Việt Nam. “Những con số trên cho thấy tình trạng thiếu kết nối giữa các DN FDI với các DN trong nước vốn đã được nhắc tới lâu nay. Các DN Việt Nam hầu như chưa có vai trò đáng kể trong mạng lưới cung ứng cho DN FDI” - TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Từ góc nhìn đối tác nước ngoài, ông Simon Kreye - Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - chia sẻ, hiện nay có khoảng hơn 500 DN Đức đang đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Dự báo số lượng DN Đức chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư có xu hướng tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Tuy nhiên, mức độ liên kết của DN hai bên chưa được nhiều, đây là bài toán với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.
Nội lực của doanh nghiệp Việt cần đủ tầm
Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, theo các chuyên gia, trước hết là do các DN FDI thường ưa thích nhập hàng hóa có nguồn gốc từ chính quốc gia của họ hơn là tận dụng các nhà cung cấp Việt Nam.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan trên thì nội lực của các DN trong nước còn yếu là rào cản chính hạn chế sự liên kết của DN FDI với DN “nội”. TS. Trần Thị Mai Thành - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, thông thường các DN FDI sẽ quyết định lựa chọn đối tác Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí chính, bao gồm: Cơ sở vật chất, năng lực cung ứng, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ. Trong khi đó, đối với các DN Việt Nam, các yếu tố trên vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như về trình độ công nghệ, phần lớn các DN Việt có quy mô vừa và nhỏ nên thiếu công nghệ cao, có nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ để chủ động tham gia liên kết với DN FDI. Lấy ví dụ trong ngành điện tử, chỉ có 27,9% DN sử dụng công nghệ tiên tiến, 48,8% DN sử dụng công nghệ trung bình và 23,3% DN sử dụng công nghệ lạc hậu. Tương tự, ngành cơ khí chủ yếu sử dụng công nghệ trung bình, chỉ có khoảng 20% DN sử dụng công nghệ tiên tiến.
Đối với năng lực cung ứng, các DN FDI thường tìm đối tác đáng tin cậy và có khả năng cung cấp hàng hóa chất lượng, đúng thời gian, đảm bảo đúng các yêu cầu theo hợp đồng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu vắng các nhà cung cấp tiềm năng có đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng… của các tập đoàn đa quốc gia. Đơn cử, một kết quả điều tra DN mới đây cho thấy, trong khi một nửa số DN FDI tại Việt Nam có chứng chỉ về chất lượng được quốc tế công nhận, như ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, thì chưa đến 10% DN trong nước có được chứng chỉ này...
Khẳng định để liên kết được với khu vực DN FDI thì phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài - cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tập trung hoàn thiện các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó bao gồm các chính sách liên quan về thị trường, phòng vệ thương mại và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN.
Đưa thêm khuyến nghị, GS,TSKH. Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh đến vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể kết nối được với các DN FDI. Muốn vậy, các DN Việt cần tăng cường liên kết với các trường đại học, trường đào tạo nghề, để đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và đáp ứng đúng yêu cầu của DN./.