Kết quả kiểm toán sẽ góp phần quản lý đất đai minh bạch, hiệu quả hơn

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:45, 25/09/2018

(BKTO) - Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán về việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh.


Thưa ông, vừa qua, KTNN đã phát hiện nhiều DN góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng sau đó do thua lỗ nên giá trị vốn góp bị giảm đi hàng chục lần. Ông có thể cho biết một số ý kiến về vấn đề này?

- Theo Luật DN năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013, DN được phép góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác, sản xuất, kinh doanh như hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC hay góp vốn bằng quyền giá trị sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới.

Theo luật định, sau khi DN góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thì chính quyền phải cấp quyền sử dụng đất cho liên doanh, từ đó DN liên doanh được thuê đất và có nghĩa vụ trả tiền thuê đất hằng năm (không thuộc quyền sở hữu của người góp nữa). Điều quan trọng nhất sau khi góp vốn như vậy là đất đó vẫn được quản lý theo Luật Đất đai, vẫn thuộc sở hữu của toàn dân. Kể cả khi thua lỗ, DN vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ về quản lý đất, vẫn phải nộp tiền thuê đất, tiền thuế đất (nếu có). Ngay cả khi DN thay đổi mục đích sử dụng đất đã góp thì DN vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nói cách khác, giá trị đất đó không mất đi. Khi DN thua lỗ, mô hình hoạt động của DN và giá trị của DN sẽ giảm nhưng Nhà nước vẫn quản lý được đất. Thậm chí, nếu DN thua lỗ, giải thể, phát mại toàn bộ tài sản, xử lý nợ và chia đôi thì đó vẫn là giải pháp thu hồi vốn an toàn, Nhà nước vẫn thu hồi được đất dù có thể không bằng giá trị ban đầu.

Rõ ràng, nếu DN của Việt Nam góp vốn với DN FDI mà bị DN này thâu tóm thông qua việc để thua lỗ kéo dài thì sẽ làm cho tình hình tài chính của DN không lành mạnh, việc đóng thuế thu nhập DN cũng giảm đi, ít nhiều sẽ tác động đến người lao động. Do vậy, cơ quan quản lý phải hạn chế các DN liên doanh theo danh nghĩa, không chỉ trong khu vực DNNN mà cả đối với DN dân doanh.

Vừa qua, một số DN đã lách luật thông qua việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nhưng vẫn giữ tên mình (không chuyển quyền sở hữu sang liên doanh). Đến khi liên doanh thua lỗ thì DN mới báo mất vốn và chuyển lại cho tư nhân mảnh đất đó. Đây chỉ là giao dịch cá nhân, còn trên thực tế, người góp không mất vốn mà chính là do họ “đi đêm”. Hành vi này đã vi phạm Luật Đất đai bởi theo quy định, khi góp vốn như vậy, người góp phải chuyển giao đất về liên doanh, mà liên doanh chỉ được thuê đất trả tiền hằng năm chứ không được giao đất và cũng không được trả tiền một lần. Nếu chuyển đổi mục đích sang kinh doanh bất động sản thì DN phải đóng thuế rất cao.

Một số địa phương còn có tình trạng chỉ thành lập DN để thực hiện mong muốn chuyển giao quyền sử dụng đất cho phía nước ngoài. Khi cấp sổ đỏ, chính quyền và cơ quan quản lý DN phải làm rõ việc này nhằm đảm bảo mục đích cấp đất cho DN là để sản xuất, kinh doanh chứ không phải dùng sang các mục đích khác.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân của việc này là các bên liên quan không chấp hành nghiêm quy định của Luật Đất đai năm 2013 và có sự buông lỏng khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các DN cũng như địa phương. Luật Đất đai đã quy định rõ: DN đăng ký góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đúng quy hoạch, đúng kế hoạch, nếu DN thua lỗ thì chỉ mất vốn của DN, còn đất đai vẫn phải quản lý chặt chẽ. Trường hợp chuyển đổi đất để làm mục đích khác thì chính quyền phải xác định lại giá để đảm bảo tính đúng tiền thu chênh lệch địa tô, chênh lệch về đất đai và quan trọng nhất là phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thực tế, dù pháp luật đã quy định thống nhất nhưng vẫn còn tình trạng chiếm dụng đất đai, chuyển nhượng đất đai trong liên doanh. Điều này xuất phát từ các kẽ hở trong khâu quản lý và tổ chức thực hiện. Vì vậy, cơ quan chức năng phải rà soát lại khâu quản lý, quan trọng nhất là phải gắn với trách nhiệm của người quản lý đất đai và người quản lý DN. Cơ quan quản lý DN dân doanh và người đại diện chủ sở hữu DNNN phải chịu trách nhiệm trong vấn đề hiệu quả hoạt động của DN. Nếu DN hoạt động không tốt, phải thanh lý thì đất đai vẫn phải được xác lập là tài sản của Nhà nước, tài sản của quốc gia và phải được quản lý chặt chẽ.

Khi DN thua lỗ, cơ quan quản lý cũng phải xem xét lại việc cấp phép cho DN. Nhà nước tạo điều kiện cho DN kinh doanh nhưng cũng phải có giải pháp để ngăn chặn việc hình thành những DN “ma”, những DN trá hình. Nếu một DN biến động như vậy mà không kiểm tra, thanh tra hoặc không phát hiện ra thì trách nhiệm này không chỉ thuộc về các Bộ, ngành T.Ư mà còn thuộc về các cấp chính quyền địa phương.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã có kiến nghị như thế nào tới các cơ quan chức năng, thưa ông?

- Năm 2017, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định về việc chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này đã bám sát việc xử lý vấn đề đất đai theo Luật Đất đai. Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ về việc công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa (CPH). Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến việc thay đổi nhận thức. DNNN và DN có vốn nhà nước phải thay đổi nhận thức về việc sử dụng đất, phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các giá trị lợi thế của đất đai nếu có để tránh thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Tôi cho rằng, nếu thực hiện Nghị định 126 và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN cũng như các hướng dẫn thì sẽ góp phần thay đổi được nhận thức về quản lý đất đai, thúc đẩy các DN chân chính sử dụng đất đai có hiệu quả, đặc biệt là giúp những DN nhỏ khởi nghiệp có nguồn lực về địa thế để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sắp tới, khi sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ cũng phải chỉnh sửa lại những nội dung chưa rõ, chưa phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật DN.

Mới đây, Quốc hội đã giao KTNN kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã CPH giai đoạn 2011-2017. Ông có đề xuất gì để KTNN thực hiện cuộc kiểm toán này đạt kết quả cao nhất?

Theo tôi, đây là một yêu cầu cần thiết của Quốc hội nhằm quản lý hiệu quả hơn nguồn lực sau CPH.

Thứ nhất là nguồn lực bằng tiền đã được đưa vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN do Chính phủ quản lý. Quỹ này đã được sử dụng để phục vụ mục tiêu chi đầu tư công, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt để tạo ra hạ tầng cho xã hội. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, Quỹ này vẫn phải được tăng cường quản lý. Chúng tôi hy vọng, từ kết quả kiểm toán, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết hoặc luật hóa các nội dung thu, chi của Quỹ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Quốc hội và Luật NSNN để nguồn lực này được sử dụng hiệu quả hơn.

Nguồn lực thứ hai sau CPH là đất đai, các DNNN sử dụng rất nhiều đất đai và DN sau CPH được kế thừa toàn bộ số đất đai này. Nếu được sử dụng đúng mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh, đây là một nguồn lực rất lớn của Nhà nước. Nếu chuyển mục đích sử dụng sang kinh doanh bất động sản thì dù có tạo ra giá trị gia tăng nhưng cũng chỉ mang tính dịch vụ, không gắn với sản xuất. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra bất cập về lợi thế địa lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa những DN có quy mô đất đai lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, trong khi có những DN cần đất đai để sản xuất thì lại không có.

Chính vì vậy, kết quả kiểm toán việc thu từ đất đai sẽ góp phần phác họa bức tranh về việc quản lý, sử dụng đất. Qua đó khẳng định việc quản lý, sử dụng đất có đúng mục đích hay không, hiệu quả ra sao và điều quan trọng nhất là có làm tròn nghĩa vụ đối với NSNN hay không.

CPH cũng là một quá trình chuyển đổi DN và việc sử dụng đất sau CPH phải tuân thủ Luật Đất đai. Chúng tôi mong KTNN làm rõ quan điểm: CPH là chủ trương đúng, giúp DN hoạt động tốt hơn, đó không phải là nguyên nhân làm thất thoát đất đai. KTNN cũng cần xác định rõ vấn đề quản lý đất đai có đúng quy trình không, quy hoạch đất như thế nào, giao đất ra sao… để đảm bảo rằng, DNNN khi CPH cũng bình đẳng như những thành phần kinh tế khác, đất phải được sử dụng đúng mục đích, đúng nhu cầu. Việc quản lý đất đai thực chất không chỉ thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành T.Ư mà còn thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÙY ANH (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018