Năng lực nhân sự ngành kế toán, kiểm toán phải thay đổi thế nào trong kỷ nguyên số?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:10, 25/09/2018

(BKTO) - Các chuyên gia về kế toán, kiểm toán cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực một cách nhanh chóng. Theo đó, kỹ năng của kế toán viên, kiểm toán viên cũng phải thay đổi.


Nhân sự kế toán, kiểm toán mới chưa biết vận dụng kiến thức vào thực tế

Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Việt Nga - thành viên Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nexia STT - đã bày tỏ những mong muốn đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Bà Nga cho biết, nếu ứng với 7 nhóm năng lực mà nhân sự kế toán - tài chính thời đại công nghệ cần phải có thì sinh viên mới được tuyển dụng vào công ty kiểm toán thường gặp phải một số vấn đề sau: một số sinh viên đã tốt nghiệp chưa nắm được kiến thức cơ bản như công thức về kế toán, kiểm toán và bút toán nợ - có; sinh viên mới ra trường còn gặp nhiều thách thức trong khả năng sáng tạo cũng như khả năng vận dụng kiến thức vào các tình huống tương tự.

Bà Nga ví dụ, sinh viên mới được tuyển dụng thường làm việc theo lối mòn, họ sao chép gần như y nguyên hồ sơ đã có của DN và chỉ thay đổi số liệu mà không giải thích được lý do tại sao lại làm như vậy. Họ không hiểu rằng, sau một năm, DN đã có nhiều thay đổi về quy trình sản xuất, về người quản lý, về đối tác nên không thể bê nguyên thông tin cũ được. Bên cạnh đó, nhiều kiểm toán viên mới còn rất lúng túng trong việc làm thế nào có thể trích xuất được thông tin của DN để ghép vào chứng từ giấy.

Yếu tố thứ ba: khả năng xác định cảm xúc của bản thân và cảm nhận tâm lý hiện thời của khách hàng để ứng xử cho phù hợp cũng là điều rất hạn chế đối với sinh viên mới ra trường. Thậm chí, DN còn phải hướng dẫn nhân viên mới từng chi tiết khi viết thư điện tử gửi đối tác…

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết: DN đang đặt ra nhiều yêu cầu rất cao đối với các cơ sở đào tạo, vì vậy, hai bên cần thảo luận, phân tích để có tiếng nói chung, có cùng điểm xuất phát và có bước đi phù hợp. Các trường đại học đang thay đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, đồng thời sẽ lắng nghe ý kiến DN để có giải pháp tốt nhất trong hoạt động đào tạo.

Nghề kiểm toán phải chuyển sang thế hệ kiểm toán mới

Trước đây, người làm kế toán, kiểm toán chủ yếu chỉ dùng bút chì để viết trên giấy, nếu sai thì tẩy đi, viết lại. Những năm sau đó, kế toán viên, kiểm toán viên đã sử dụng máy tính để lập báo cáo rồi in ra giấy. Ngày nay, người làm kế toán, kiểm toán phải tham mưu nhiều hơn cho lãnh đạo DN. Thay vì chỉ cung cấp báo cáo tài chính, nhân viên kế toán phải lập được báo cáo toàn diện, báo cáo tích hợp và điều quan trọng hơn là phải giúp người đọc hiểu được báo cáo. Khách hàng của các công ty kiểm toán còn cần kiểm toán viên phân tích số liệu và đưa ra định hướng về đầu tư, kinh doanh và quản trị để gợi ý cho lãnh đạo DN hoạch định chiến lược cho tương lai…

Theo bà Nga, trong 5 - 10 năm tới, người làm kế toán phải thiết lập được báo cáo toàn diện gồm thông tin tài chính và phi tài chính, phải nắm bắt được những xu hướng kinh doanh mới như mô hình kinh doanh di động hay điện toán đám mây cũng như phải hiểu biết về môi trường kinh doanh toàn cầu. Đồng thời, để cập nhật được các yêu cầu mới về quản lý tài chính của quốc gia, kế toán viên, kiểm toán viên phải cập nhật thông tin từ các luật liên quan như: Luật NSNN, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán, phải quan tâm đến đầu ra, đầu vào và am hiểu các phương pháp định giá…

Bà Nga khuyến nghị các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp, các công ty kế toán, kiểm toán và các DN nên hợp tác theo mô hình chiếc kiềng ba chân. Trường học giúp sinh viên có nền tảng kiến thức, các tổ chức nghề nghiệp thì cung cấp các chứng chỉ quốc tế, DN cung ứng các ứng dụng kinh doanh và phối hợp chặt chẽ, giúp sinh viên có thêm nhiều kỹ năng hơn.

PGS,TS. Nguyễn Phú Giang - Trường Đại học Thương mại - cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra yêu cầu nghề kiểm toán phải chuyển sang thế hệ kiểm toán mới: Kiểm toán 4.0. Theo đó, hầu hết các nội dung kiểm toán như: tài sản cố định, hàng tồn kho, chi phí, doanh thu... sẽ được đưa vào phần mềm để đo lường và xử lý thông tin theo thời gian thực. Kiểm toán 4.0 có khả năng mô hình hóa, chọn mẫu, phân tích, phát hiện các điểm bất thường và trích xuất các thông tin hữu ích khác một cách hiệu quả, kịp thời, chính xác. Kiểm toán 4.0 còn có thể làm thay đổi một cách đáng kể quy trình kiểm toán bằng các thủ tục kiểm toán tự động, mở rộng phạm vi, rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng kiểm toán…

Theo PGS,TS. Nguyễn Phú Giang, trong bối cảnh ấy, kỹ năng của kiểm toán viên sẽ phải thay đổi đáng kể. Các công ty kiểm toán và KTNN cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, kiểm toán viên cần được đào tạo kỹ thuật nhiều hơn để nâng cao hiểu biết, kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình kiểm toán.

Ngoài ra, PGS,TS. Nguyễn Phú Giang cũng nêu lên một số vấn đề, đó là: kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ cần phải hợp tác như thế nào; mô hình kiểm toán hiện tại liệu có còn được sử dụng trong thời đại Kiểm toán 4.0 hay không; chuẩn mực kiểm toán sẽ thay đổi ra sao để thích ứng với môi trường kiểm toán mới; làm thế nào để đảm bảo sự bí mật đối với các thông tin nhạy cảm của đơn vị được kiểm toán; mức độ kiểm tra, thủ tục và tần suất sử dụng các thủ tục kiểm toán sẽ thay đổi ra sao trong cuộc Cách mạng công nghệ mới này...

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018