Chuyển biến mạnh mẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”

Đầu tư - Ngày đăng : 11:20, 25/09/2018

(BKTO) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết), ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết, vẫn cần nhiều giải pháp, đặc biệt là việc ban hành cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc về vốn và đất đai; đồng thời khuyến khích DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.


Thay đổi toàn diệnngành nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, ngành nông nghiệp đã đạt những thành quả đáng khích lệ. Theo đó, nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Từ đó, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Trong 5 năm (2013-2017), Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết. Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Dự kiến, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đến nay, đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 8%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3 - 4%/năm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và phát triển đô thị, giai đoạn 2010-2017, xã hội đã huy động được khoảng 1,67 triệu tỷ đồng để thực hiện; trong đó, vốn NSNN chiếm 28,6%, vốn tín dụng chiếm 56,7%, vốn DN chiếm 4,9%, người dân và cộng đồng đóng góp chiếm 15,82%. Nhờ vậy, đến hết năm 2017, cả nước có trên 11,66 nghìn hợp tác xã nông nghiệp (gấp gần 2 lần so với năm 2008).

Cần có chính sách thu hútđầu tư vào nông nghiệp

Bên cạnh những thành quả đạt được trong 10 năm qua, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn những bất cập cần khắc phục, đặc biệt là những vướng mắc về vốn, đất đai.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đình Quang, nguồn vốn đầu tư, nhất là các địa phương miền núi, cần rất lớn, trong khi địa phương chưa cân đối được ngân sách. Đối với bà con nông dân, phần lớn các nông hộ ở miền núi hiện nay ở trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận vốn và công nghệ mới. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện giúp bà con nông dân các tỉnh miền núi tiếp cận công nghệ mới. Ngoài ra, cơ chế, chính sách hiện còn chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp, vì vậy, Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích các nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiến nghị, vấn đề tích tụ ruộng đất cần tiếp tục được nghiên cứu; trong đó, phải sửa Luật Đất đai, vì khung giá đất cao khó thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, cần đầu tư các trung tâm chế biến, đặc biệt là trung tâm chiếu xạ để hàng nông nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước, tăng cường xuất khẩu.

Nhận định chặng đường 10 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết, chuyên gia kinh tế và chính sách nông nghiệp Đặng Kim Sơn cho rằng, Nghị quyết “Tam nông” ra đời đúng vào năm chuyển mình, kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước gặp khó khăn nên chúng ta phải thắt chặt ngân sách. Nhiều chương trình đã định ra như: Chương trình phục vụ đóng tàu đánh bắt xa bờ, tái canh cà phê và một loạt chương trình đầu tư lớn cho nông nghiệp không được thực hiện đúng tiến độ. Trước tình hình đó, ông Sơn cho rằng, thời gian tới, câu chuyện về vốn, đặc biệt là đầu tư công phải được tính toán một cách thích hợp, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp, không để thực trạng ngành nông nghiệp đóng góp 17% GDP, 25% xuất khẩu, 70% dân số sống ở nông thôn, 48% lao động ở nông thôn nhưng chỉ có 5% đầu tư toàn xã hội cho khu vực nông nghiệp. “Nếu đối xử với nông nghiệp một cách đúng đắn, công bằng, khôn khéo, sự phát triển của đất nước chúng ta sẽ tốt lên rất nhiều” - ông Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, dù có nhiều ý kiến khác nhau về phát triển nông nghiệp, nhưng không thể phủ nhận sự phát triển tích cực của nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là hiệu quả kinh tế đến người nông dân so với yêu cầu còn thấp. Nông sản Việt Nam được xuất khẩu 180 nước trên thế giới nhưng vẫn thiếu bền vững bởi rủi ro và phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.

Do đó, cần phải tổ chức nhanh, hiệu quả nền sản xuất nhỏ quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn vì nếu không có yếu tố này sẽ không thể thành công. Mặt khác, cần đầu tư ưu tiên nguồn lực cả về tài chính và cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nhiều DN tham gia vào khu vực này để làm hạt nhân, tổ chức lại sản xuất.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018