Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện pháp luật kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:25, 19/12/2023
Tham dự Hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện thuộc Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Nhật Anh cho biết: Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.
Trên cơ sở Pháp lệnh, ngày 02/6/2023, KTNN ban hành Quyết định 811/QĐ-KTNN hướng dẫn về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình đưa Pháp lệnh vào cuộc sống.
Việc tuyên truyền, phổ biến những quy định của Pháp lệnh tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy tốt vai trò của Pháp lệnh trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN. Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các đơn vị liên quan trao đổi các vấn đề còn thắc mắc, giúp việc triển khai thi hành Pháp lệnh kịp thời, hiệu quả.
Tại Hội nghị, báo cáo viên Lê Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - đã phổ biến, tuyên truyền về sự cần thiết phải ban hành và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh.
Theo đó, Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, quy định cụ thể về: đối tượng, hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; điều khoản thi hành.
Pháp lệnh quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN. Các hành vi bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh quy định 7 điều, tương ứng với 7 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) tương ứng với đó là hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính, bao gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50 triệu đồng, của tổ chức là 100 triệu đồng.
Căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và để phù hợp với đặc thù hoạt động KTNN, Pháp lệnh quy định 2 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Cùng ngày, chiều 19/12, KTNN khu vực I phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức Hội nghị Tập huấn các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Tại Hội nghị, toàn thể công chức, kiểm toán viên KTNN khu vực I được giới thiệu về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Quy định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, khởi kiện trong hoạt động KTNN; Hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Một số văn bản quy phạm pháp luật mới do Tổng KTNN ban hành.