Tăng tính chủ động cho địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Xã hội - Ngày đăng : 09:13, 20/12/2023
Giải ngân chậm do bất cập về cơ chế sử dụng vốn
Ngày 19/12, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo: “Tham vấn về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; kiến nghị, đề xuất CTMTQG giai đoạn 2026-2030”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, việc thực hiện các CTMTQG từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên, việc thực hiện các Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra qua giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, trong đó, có vấn đề về cơ chế thực hiện các CTMTQG.
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, kết quả triển khai thực hiện các CTMTQG còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc về: phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương; quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án… Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.
Đến tháng 10 năm 2023, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới chỉ giải ngân được khoảng 23.300 tỷ đồng vốn của 3 CTMTQG (đã bao gồm vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2022), đạt 39% kế hoạch.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, việc giải ngân vốn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc xác định, dự báo đối tượng thụ hưởng, xây dựng cơ chế phân bổ, sử dụng vốn chưa được tính toán kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số nội dung thuộc các CTMTQG không còn đối tượng để thực hiện dự toán chi, chưa giải ngân được kinh phí thường xuyên được giao.
Chia sẻ khó khăn từ thực tế địa phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang Sèn Thăng Long cho biết, hiện nay, Trung ương và tỉnh đang thực hiện giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án thành phần của mỗi Chương trình. Điều này dẫn đến tình trạng khi triển khai thực hiện, cấp huyện không thể linh hoạt, chủ động trong việc sắp xếp ưu tiên nguồn vốn cho các nhóm dự án cần thiết. Nhiều công trình, dự án vướng mắc thủ tục hồ sơ hoặc nhu cầu đầu tư chưa thực sự cấp bách nhưng không thể điều chuyển vốn sang cho các dự án/công trình khác; hoặc có thể điều chỉnh nhưng thủ tục điều chỉnh rườm rà, mất thời gian, phải trình qua nhiều cấp…
Cho phép địa phương linh hoạt trong sử dụng vốn
Từ thực tế trên, nhiều địa phương kiến nghị cơ quan trung ương cho phép địa phương được điều chỉnh linh động phần kinh phí không còn đối tượng chi hoặc thực hiện không có hiệu quả để tập trung vốn thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có hiệu quả.
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông), 03 CTMTQG có nhiều nội dung trùng lặp, dẫn đến chồng chéo, không giải quyết được nguồn vốn vì mỗi đối tượng chỉ được thụ hưởng ở một chương trình. Nếu không cho phép các địa phương chuyển nguồn vốn sự nghiệp không sử dụng hết sang vốn đầu tư thì sẽ không sử dụng được hết vốn.
“Cần ban hành quy định cho phép địa phương được chuyển từ nguồn vốn sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư, phân bổ theo các lĩnh vực chi kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền theo nhu cầu sử dụng vốn” - đại biểu Phạm Thị Kiều đề xuất.
Tại Hội thảo, ông Vũ Ngọc Hưng cũng đề xuất, cần giao trách nhiệm cho HĐND cấp tỉnh được lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp; giao trách nhiệm cho UBND tỉnh phải thực hiện việc quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm; cho phép HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các CTMTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các giải pháp trên áp dụng cho 2 năm cuối của giai đoạn 2021-2025. Khi bước sang giai đoạn 2026-2030, giải pháp này cần được nghiên cứu thay đổi theo hướng giao tổng nguồn lực cho cấp huyện.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các CTMTQG hằng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương xem xét khoán kinh phí thực hiện cho cấp huyện.
Tại Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các CTMTQG.
Dự kiến, nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sắp tới.