Làm rõ khoản chi chuyển nguồn kinh phí khác
Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 21/12/2023
Số chuyển nguồn lớn, tăng nhanh cả về quy mô và tỷ trọng
Theo KBNN, Bộ Tài chính, trong các năm qua, số liệu chi chuyển nguồn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số chi NSNN, đặc biệt là chi chuyển nguồn ngân sách địa phương. Theo số liệu quyết toán NSNN 4 năm gần đây, số chuyển nguồn NSNN đều lớn và tăng qua các năm, chiếm gần 30% tổng số chi NSNN. Cụ thể, số chuyển nguồn năm 2018 là 434.357 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng chi NSNN; năm 2019 là 592.649 tỷ đồng, chiếm 28% tổng chi NSNN; năm 2020 là 643.406 tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng chi NSNN, năm 2021 là 776.351 tỷ đồng, chiếm 31% tổng chi NSNN.
Trong đó, tổng số chi chuyển nguồn không bao gồm chi chuyển nguồn đầu tư phát triển và chi chuyển nguồn tại cấp ngân sách (chi chuyển nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội, các khoản chuyển nguồn tăng thu, tiết kiệm chi) năm 2018 là 87.683 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng số chuyển nguồn; năm 2019 là 96.969 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng số chuyển nguồn; năm 2020 là 90.240 tỷ đồng, chiếm 14% tổng số chuyển nguồn; năm 2021 là 102.684 tỷ đồng chiếm 13,2%. Số chuyển nguồn chi đầu tư phát triển theo Luật Đầu tư công chiếm trên 40% tổng số chuyển nguồn ngân sách sang năm sau: Năm 2018 là 194.294 tỷ đồng, chiếm 42% tổng số chuyển nguồn; năm 2019 là 255.448 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số chuyển nguồn; năm 2020 là 274.427 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số chuyển nguồn, năm 2021 là 268.351 tỷ đồng chiếm 34,54%.
KBNN khẳng định: Số chi chuyển nguồn tăng nhanh qua các năm cả về quy mô và tỷ trọng làm giảm hiệu lực, hiệu quả chi NSNN, đồng thời cho thấy việc chấp hành pháp luật về NSNN, Nghị quyết của Quốc hội chưa nghiêm.
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cũng nhận định, thực trạng chi chuyển nguồn khá phức tạp. Năm 2020, 2021 và 2022, chuyển nguồn ngân sách rất lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng. Nếu so với dự toán ngân sách thì năm 2021 chuyển sang năm 2022 khoảng 776.000 tỷ đồng, chiếm đến 45% dự toán và chiếm 45,5% số thực hiện. Còn theo phần chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 cùng với số kết dư thì tổng số này lên đến 894.000 tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán chi, gấp gần 2 lần so với tổng mức vay của cả nước.
Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đánh giá: Do Chính phủ báo cáo chưa phân tích, thuyết minh chi tiết đối với phần kinh phí khác với số tiền khá lớn nên KTNN không xác định được tính đúng đắn, trung thực của thông tin này. KTNN mặc dù vẫn đề nghị Quốc hội xem xét quyết toán NSNN năm 2021 nhưng đề nghị giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát để xử lý, tránh trường hợp chuyển nguồn không đúng quy định. Đồng thời, Quốc hội giao KTNN trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán phải tập trung vào nội dung này để chỉ rõ những bất cập.
Hoàn trả ngân sách trung ương trong phạm vi tối đa 30 ngày
Để quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 (Nghị quyết 91), Quốc hội đã yêu cầu quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn NSNN, không chuyển nguồn sang năm sau đối với các khoản tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm và xử lý dứt điểm đối với các tạm ứng quá thời hạn. Hủy bỏ, thu hồi về NSNN các khoản chuyển nguồn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định. Không chuyển nguồn sang năm sau các khoản ngân sách trung ương (NSTƯ) hỗ trợ các địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân, phải hủy dự toán, thu hồi về NSTƯ...
Để thực hiện đúng các yêu cầu của Quốc hội cũng như đảm bảo thực hiện việc chuyển nguồn NSNN sang năm 2024 đúng quy định, KBNN đã đề nghị các đơn vị KBNN trực thuộc tuân thủ nghiêm việc chuyển nguồn ngân sách theo đúng các quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công; các nghị định của Chính phủ quy định về việc này… Tuy nhiên, theo KBNN, riêng trong năm 2023, ngoài các nội dung được quy định nêu trên, còn một số nội dung được chuyển nguồn theo các nghị quyết của Quốc hội.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội về phân bổ dự toán NSTƯ năm 2024 và dự thảo nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Quốc hội đã quyết định cho phép chuyển nguồn vốn NSNN thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 (bao gồm năm 2021) chưa giải ngân hết năm 2023, có khả năng giải ngân sang năm 2024 tiếp tục thực hiện. Do vậy, các đơn vị KBNN chỉ thực hiện chuyển nguồn sang năm 2024 đối với kinh phí chương trình mục tiêu đã được chuyển nguồn sang năm 2022 theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán NSNN năm 2023.
Cũng tại Nghị quyết 91, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn NSNN năm 2021 sang năm 2022, trong đó làm rõ khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác theo quy định của pháp luật” tại các địa phương. Nội dung chuyển nguồn kinh phí khác phản ánh các nội dung được chuyển nguồn theo các Nghị quyết của Quốc hội, như chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương theo Nghị quyết số 82/2023/QH15 của Quốc hội… Vì vậy, KBNN đề nghị các đơn vị KBNN lưu ý phối hợp với cơ quan tài chính làm rõ khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác theo quy định của pháp luật”.
KBNN cũng lưu ý các đơn vị KBNN không chuyển nguồn sang năm sau các khoản NSTƯ hỗ trợ địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân, phải hủy dự toán, thu hồi về NSTƯ theo đúng quy định. Trường hợp rút dự toán nhưng sử dụng không đúng mục tiêu hoặc không sử dụng hết, phải hoàn trả NSTƯ trong phạm vi tối đa 30 ngày kể từ ngày rút dự toán.../.