Luật hóa tối đa, giải quyết bất cập của chính sách thuế giá trị gia tăng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 21/12/2023
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh
Luật Thuế GTGT được thông qua năm 2008, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009 và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2003 và năm 2005. Theo đánh giá của Chính phủ, Luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT đã phát sinh một số hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của loại thuế này. Việc sửa đổi Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước…
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách - chỉ rõ, thuế GTGT là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song cũng bộc lộ không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn thuế cũng lớn. Quy trình hành thu thuế GTGT phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, làm gia tăng nguy cơ rủi ro, sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần được xem xét, giải quyết căn cơ.
Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh), những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm 3 ngành hàng tinh bột sắn, gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su có nguyên nhân chính xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Những bất cập này đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế GTGT.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước chỉ ra, chính sách hoàn thuế GTGT còn chưa đồng bộ giữa Luật Thuế GTGT, các nghị định và thông tư hướng dẫn; một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau; một số văn bản trả lời người nộp thuế còn chung chung, chưa rõ và chưa cụ thể về những vấn đề người nộp thuế vướng mắc; công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT còn chậm so với quy định; tổ chức thực hiện hoàn thuế GTGT một số hồ sơ còn chưa đúng về điều kiện...
Tránh “luật khung, luật ống”
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế GTGT được Chính phủ xem xét, thông qua với 5 nhóm chính sách cần hoàn thiện các quy định: về đối tượng không chịu thuế GTGT; về giá tính thuế GTGT; về thuế suất thuế GTGT; về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; về hoàn thuế GTGT.
Thẩm tra đề nghị xây dựng Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo các hình thức chuyển nhượng đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong áp dụng pháp luật.
Các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác; làm rõ thêm cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Ngoài ra, xem xét lại việc bổ sung quy định trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thuế GTGT là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song cũng bộc lộ không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn thuế cũng lớn. Quy trình hành thu thuế GTGT phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, làm gia tăng nguy cơ rủi ro, sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần được xem xét, giải quyết căn cơ.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách
Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, một trong những mục tiêu đặt ra đối với chính sách là “mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu thuế GTGT so với quy định hiện hành. Điều này có thể dẫn đến không đạt được mục tiêu đề ra; đồng thời, chưa thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và chưa bám sát các quan điểm, định hướng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn nhất về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế GTGT, nhất là đối với nông sản. Theo Chủ tịch Quốc hội, khi mới ban hành Luật Thuế GTGT đã làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản, nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm, tiêu cực liên quan đến hóa đơn GTGT thì vấn đề này lại hủy đi; điều này là không đúng bản chất của thuế GTGT và phạm vi loại trừ trong lĩnh vực này rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đề cập trong hồ sơ Dự án Luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quan tâm vấn đề thuế GTGT của thủy điện, bởi nếu phân bổ thuế GTGT là không đúng bản chất của loại thuế này. Ngoài ra, thuế GTGT đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư mở rộng, hiện còn nhiều nội dung được cử tri nêu ra cũng cần được rà soát để sửa đổi. Hay như vấn đề thuế GTGT với mặt hàng phân bón đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để…
“Ngoài Luật, quy định về thuế GTGT hiện nằm ở nhiều nghị định khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo minh bạch, cần rà soát, luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống; cần nhìn thẳng vào vấn đề để chúng ta rà soát” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự kiến, Hồ sơ Dự án Luật Thuế GTGT sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8./.