Quản trị đơn vị sự nghiệp công theo mô hình doanh nghiệp: Phù hợp, nhưng cần thận trọng

Xã hội - Ngày đăng : 11:12, 21/12/2023

(BKTO) - Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là cần thiết, song cũng cần phải thận trọng, xem xét áp dụng phù hợp.
dsc_7186.jpg
Đổi mới đơn vị SNCL để nâng cao chất lượng dịch vụ công là một trong những yêu cầu được Đảng đề ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW. Ảnh TL

Áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị SNCL

Thời gian qua, các đơn vị SNCL đã được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối, tăng tính tự chủ, từng bước phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng theo tinh thần Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị SNCL còn gặp khó khăn, vướng mắc làm cản trở hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Theo đại diện nhiều đơn vị SNCL, nguyên nhân cơ bản là do cơ chế, chính sách chưa thực sự gỡ bỏ được những rào cản để đơn vị tự chủ, bứt phá. 

“Những vấn đề gây khó khăn cho đơn vị SNCL như áp dụng mức trần giá dịch vụ, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá dịch vụ, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, chính sách thu hút, giữ chân người tài…” - lãnh đạo một đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cho biết.

Hoàn thành việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học)

Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL tiếp tục là vấn đề được đặt ra. Trong đó, áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp, thậm chí chuyển đổi các đơn vị SNCL có đủ điều kiện thành công ty cổ phần là hướng đi phù hợp, cần được triển khai thực hiện quyết liệt hơn theo định hướng của Trung ương.

Theo TS. Lê Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, qua khảo sát cho thấy, mô hình quản trị của doanh nghiệp có ưu điểm rất lớn là tính linh hoạt trong hoạt động và có khả năng phản ứng rất nhanh, mỗi bộ phận trong doanh nghiệp đều có tính độc lập cao. Đặc biệt, việc đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, cá nhân dựa trên sản phẩm đầu ra - đây chính là yếu tố mang tính định lượng cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. 

Năm 2024, Kiểm toán nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW giai đoạn 2021-2023 tại một số Bộ, ngành, địa phương. Cuộc kiểm toán nhằm góp phần phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL.

Thông qua cuộc kiểm toán, Kiểm toán nhà nước sẽ kiến nghị tháo gỡ các chính sách còn bất cập, tạo thuận lợi cho các đơn vị SNCL hoạt động, phát triển.

Theo các chuyên gia, mặc dù mục tiêu hoạt động giữa doanh nghiệp và đơn vị SNCL khác nhau, nhưng xét về mục đích cốt lõi giữa hai loại hình có nhiều điểm tương đồng.

Đơn cử, bên cạnh mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, quản trị doanh nghiệp ngày càng hướng tới thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là khách hàng. Tương tự, đối với các đơn vị SNCL, mục tiêu của quản trị xét đến cùng cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân và xã hội…

Phù hợp, nhưng cần thận trọng

Khẳng định việc đổi mới đơn vị SNCL theo định hướng cơ chế quản lý doanh nghiệp là tất yếu, PGS,TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong vấn đề này, bởi nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng làm là vướng”.

dsc_7217.jpg
Đổi mới hoạt động của đơn vị SNCL để nâng cao chất lượng dịch vụ công là yêu cầu bức thiết. Ảnh: N.Lộc

Theo ông Chung, hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp để quản trị SNCL đã phổ biến ở nhiều quốc gia, tuy vậy, có sự đa dạng về biện pháp áp dụng tùy theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị và pháp luật. Do đó, “cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của từng loại hình và từng lĩnh vực” - ông Chung cho biết.

Đồng tình với chủ trương mô hình quản trị công ty vào quản trị đơn vị SNCL, chuyên gia về khoa học hành chính, TS. Tạ Ngọc Hải cho rằng, việc áp dụng mô hình này cần có lộ trình. Trong đó, ưu tiên áp dụng trước đối với các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tăng cường thực hiện kiểm định, đánh giá và xếp hạng các đơn vị SNCL để tiến tới áp dụng rộng rãi. 

Song song với đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị SNCL; rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy đơn vị theo hướng tinh gọn, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị SNCL.

Mô hình nào, dù doanh nghiệp hay đơn vị SNCL thì cũng phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phải ứng dụng khoa học công nghệ để hướng tới những giá trị tốt nhất cho người sử dụng.

Nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ

PGS,TS. Đặng Xuân Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc tiếp tục đổi mới hoạt động của đơn vị SNCL còn là điều kiện tiền đề để áp dụng phương thức quản trị mới cho đơn vị SNCL. “Để áp dụng mô hình quản trị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị SNCL trước tiên cần phải tự đổi mới mình, chuyển từ “cơ chế bao cấp” sang mô hình quản trị thích ứng với “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - PGS,TS. Đặng Xuân Hải cho biết.

Dẫn chứng trong lĩnh vực giáo dục, PSG,TS. Đặng Xuân Hải cho biết, trong “cơ chế bao cấp”, vai trò của Nhà nước là bao trùm và đơn vị SNCL được bao cấp mọi nguồn lực, nên quá nặng về tính tuân thủ, thiếu năng động. Còn trong “cơ chế thị trường”, các cơ sở giáo dục nói riêng trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

“Tính “dịch vụ” buộc các cơ sở phải “cân đong, đo đếm” kết quả so với các chi phí hay nói cách khác là lời giải của bài toán “chi phí - lợi ích” luôn được coi trọng. Đây chính là tinh thần quản trị doanh nghiệp mà Nhà nước đang hướng tới” - PSG,TS. Đặng Xuân Hải cho biết.

N.LỘC