Giải bài toán nội địa hóa thiết bị ngành đường sắt đô thị
Tài chính - Ngày đăng : 13:21, 21/12/2023
Ngành đường sắt đô thị cần đầu tư hơn 60 tỷ USD
Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km. Đến thời điểm hiện tại mới hoàn thành được 13km (tuyến Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến Nhổn - Ga Hà Nội). Như vậy, tới đây phải hoàn thành 404,8km còn lại với kinh phí thực hiện khoảng 37 tỷ USD.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035. Hệ thống ĐSĐT của TP. Hồ Chí Minh gồm: 8 tuyến ĐSĐT, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220km, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD. Đến nay, Thành phố mới triển khai được 2 tuyến là metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, Thành phố phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới ĐSĐT còn lại (khoảng 200km) trong 12 năm tới.
Nhìn vào hai đô thị lớn nhất cả nước có thể thấy, kinh phí đầu tư cho ngành ĐSĐT trong thời gian tới là rất lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu có các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển hợp lý trong ngành công nghiệp ĐSĐT, tỷ lệ nội địa hóa trong nước có thể đạt được hơn 79-83%, tương đương gần 50 tỷ USD.
Tiềm năng cho phát triển ngành ĐSĐT trong nước là rất lớn. Đây cũng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nếu biết nắm bắt.
Doanh nghiệp Việt từng bước vươn lên làm tổng thầu EPC
TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) - nhận định, hiện nay hầu hết gói thầu đầu tư trong lĩnh vực giao thông ĐSĐT đang được các nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hình thức EPC. Điển hình như: Tuyến Cát Linh - Hà Đông là tổng thầu EPC Trung Quốc; tuyến Bến thành - Suối Tiên là tổng thầu EPC Liên danh Nhật Bản - Việt Nam và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội là tổng thầu EPC Hàn Quốc. Các doanh nghiệp trong nước nếu có được tham gia chỉ ở những hạng mục rất nhỏ, do các nhà thầu nước ngoài thuê lại với giá thành rẻ, như: Gói xây dựng, lắp đặt, điện chiếu sáng...
Thực tế, ngành cơ khí chế tạo trong nước cũng có nhiều “điểm sáng” trong công tác nội địa hóa thiết bị trong nước. Một số doanh nghiệp trong nước đã thực hiện các công việc với mức độ khó tương tự như tổng thầu RPC các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện, điện khí, thủy điện như: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME)…
Các đơn vị trong nước đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400MW) và Lai Châu (1.200MW). Hay tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 1.200MW (Hậu Giang) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC. Dự án bắt đầu khởi công từ tháng 5/2015, với “vốn liếng” ban đầu chỉ là một vùng đất sình lầy rộng 150ha. Ngày 16/7/2022, chủ đầu tư PVN đã tổ chức khánh thành sau hơn 7 năm thi công. Dự án hoàn thành đúng tiến độ, tiết kiệm hơn 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Đây cũng là dự án đánh dấu sự trưởng thành cả về bàn tay lẫn khối óc của kỹ sư và công nhân trong nước trong việc vươn lên làm tổng thầu EPC các dự án lớn, trọng điểm của đất nước.
Làm thế nào lấy được thị phần?
Con số hơn 60 tỷ USD kinh phí đầu tư cho ngành ĐSĐT trong thời gian tới là rất lớn. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nắm bắt được “cơ hội vàng” này, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy ngành cơ khí phát triển?
TS. Phan Đăng Phong cho rằng, cần xây dựng một cơ chế, chính sách để cụ thể hóa vấn đề này như: Đầu tư tăng cường các cơ sở vật chất hiện có để đủ khả năng thực hiện đóng mới, sửa chữa các thiết bị ngành đường sắt; lựa chọn một số nhà thầu phù hợp để thực hiện EPC tại Việt Nam kèm theo điều kiện nội địa hóa thiết bị theo tiến trình; chuẩn hóa lại các tiêu chuẩn quản lý, phần mềm quản lý chạy tàu để có sự thống nhất chung giữa các tuyến; xây dựng các cơ chế ưu đãi khác để khuyến khích nội địa hóa các thiết bị… Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cho rằng, để ngành cơ khí chế tạo trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu nói chung và ngành ĐSĐT nói riêng, vẫn rất cần vai trò của Nhà nước như một “bà đỡ”.
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam VAMI - đề nghị, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành cơ khí, có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. “Nhà nước cần ban hành Nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư trong nước đã sản xuất thì không cho phép nhập khẩu. Công tác này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cũng cho rằng: Ngành cơ khí trong nước đã tạo được dấu ấn lớn với việc tự chủ được các nhà máy, công trình lớn, điển hình như tại thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, các nhà máy xi măng… Những thành tựu ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, còn có bàn tay của Nhà nước làm “bà đỡ”, tạo thị trường cho ngành cơ khí. Từ đó, doanh nghiệp mới có được thị trường, việc làm, kinh nghiệm, để tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nói chung, cũng như nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành ĐSĐT nói riêng./.