Giảm “gánh nặng” kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 13:22, 21/12/2023
Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, trong những năm gần đây, việc cải cách công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhằm tạo thuận lợi cho DN, giảm thời gian thông quan hàng hóa, đồng thời cải thiện Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã đạt được một số cải cách đáng kể, được cộng đồng DN ghi nhận như: Nhiều văn bản quy định pháp luật về quản lý và KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho DN; việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng trong công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở những mức độ, hình thức khác nhau, thông qua việc áp dụng nhiều phương thức kiểm tra (như miễn kiểm tra, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, tự công bố sản phẩm, kiểm tra xác xuất, lấy mẫu xác xuất…). Mặt khác, nhiều thủ tục quản lý, KTCN đã được điện tử hóa. Nhiều quy định chồng chéo trong KTCN cũng đã được xử lý…
Các Bộ, ngành cần chú trọng đơn giản hóa hơn các khâu quy trình KTCN (như nộp hồ sơ đăng ký KTCN, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra). Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường các nỗ lực hợp tác liên ngành để rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp luật về KTCN.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cho biết, ghi nhận phản ánh của DN và từ thực tế triển khai thực hiện quy định về quản lý, KTCN tại cửa khẩu, cũng như qua quá trình rà soát quy định về quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Trước hết, số lượng các mặt hàng thuộc diện quản lý, KTCN còn nhiều, một mặt hàng áp dụng đồng thời nhiều biện pháp quản lý ngoại thương. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý và KTCN.
Thứ hai, nhiều hàng hóa thuộc diện quản lý, KTCN nhưng chưa được chi tiết danh mục, chưa kèm mã số HS hoặc đã có mã số HS nhưng chưa phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Qua rà soát của cơ quan hải quan, hiện còn 8 danh mục chưa được ban hành kèm mã HS.
Thứ ba, trình tự, thủ tục KTCN nhìn chung vẫn còn phức tạp, chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến DN phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, thực chất, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa được áp dụng miễn giảm kiểm tra rất thấp.
Đặc biệt, việc áp dụng kiểm tra đối với từng lô hàng của từng chủ hàng dẫn đến tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra cao, gây tốn kém chi phí và thời gian cho DN, trong khi thực tế, tỷ lệ phát hiện vi phạm lại rất thấp. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong KTCN, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý, do nhiều cơ quan quản lý, kiểm tra…
Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kiểm tra chuyên ngành
Các chuyên gia đánh giá, dù hoạt động cải cách KTCN đã diễn ra tích cực trong những năm gần đây, nhưng những khó khăn, vướng mắc của DN khi tuân thủ các thủ tục này vẫn khá phổ biến. Điều đó cho thấy dư địa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách KTCN còn rất lớn và cần được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.
Đưa khuyến nghị cụ thể để đẩy mạnh công tác này, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, các Bộ, ngành cần chú trọng đơn giản hóa hơn các khâu quy trình KTCN (như: Nộp hồ sơ đăng ký KTCN, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra). Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường các nỗ lực hợp tác liên ngành để rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp luật về KTCN.
Theo kết quả khảo sát từ hơn 3.000 DN trên cả nước do VCCI thực hiện năm 2022 cho thấy, có tới gần 60% DN đã gặp ít nhất một loại khó khăn trong quá trình tuân thủ các thủ tục KTCN.
Nhiều DN kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục giảm số mặt hàng và tỷ lệ số lô hàng thuộc diện KTCN. Song song với đó, nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm cần được áp dụng đầy đủ và thực chất hơn nữa để tạo điều kiện cho các DN có lịch sử tốt về tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan KTCN nên có một cơ chế kết nối, chia sẻ chung về lịch sử kiểm tra thực tế hàng hóa của DN để tránh kiểm tra trùng lặp.
Về phía cơ quan hải quan, ông Hoàng Việt Cường cho biết, nhằm tạo bước đột phá trong công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” với 7 nội dung cải cách. Trên cơ sở đó, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung xây dựng, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu làm cơ sở triển khai các nội dung cải cách tại Đề án.
Ông Cường cho biết, với những nội dung cải cách quyết liệt của Đề án và được thể chế hóa tại Dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho DN và nền kinh tế. Ước tính trong 1 năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho DN và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế./.