Địa phương chỉ được phép vay bù đắp bội chi trong hạn mức

Tài chính - Ngày đăng : 07:57, 25/12/2023

(BKTO) - Tại dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024, Bộ Tài chính đã hướng dẫn rõ về vay và trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách cấp tỉnh.
tien-2412.jpg
Địa phương không vay được vốn theo kế hoạch, thì phải giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn. Ảnh: ST

Theo đó, địa phương chỉ được phép vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc trong hạn mức Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các địa phương dự toán có vay để trả nợ gốc, sau khi đã bố trí chi trả nợ gốc theo quy định, địa phương được phép vay trong hạn mức vay đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao (không phân biệt vay trả nợ gốc hay vay bù đắp bội chi). Đồng thời, việc phân bổ, giao vốn thực hiện các dự án đầu tư từ khoản vay này phù hợp với tiến độ và mức vay cho phép.

Ngoài ra, địa phương bố trí từ nguồn bội thu để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ gốc đến hạn.

Các địa phương có dự toán vay để trả nợ gốc, để bảo đảm chủ động nguồn trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn, khi phân bổ vốn chi đầu tư phát triển, địa phương phải chủ động dành nguồn để bố trí chi trả nợ gốc đến hạn và bù lại nguồn cho chi đầu tư phát triển khi thực tế thực hiện được khoản vay theo kế hoạch.

Địa phương chỉ giải ngân thanh toán số vốn đầu tư này sau khi đã thực hiện được khoản vay. Trường hợp không vay được theo kế hoạch hoặc chỉ vay được một phần theo kế hoạch, thì phải bố trí giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương (tăng mức bội thu tương ứng) để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

Bộ Tài chính lưu ý, trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách, trường hợp hội đồng nhân dân quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi bố trí tăng thêm tương ứng. Số này không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các khoản được loại trừ khi xác định số tăng thu thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Quốc hội.

Số dự toán bố trí tăng thêm, sau khi dành 70% số tăng thu thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại cần ưu tiên bổ sung dự phòng ngân sách địa phương để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách, nguồn còn lại khả năng thực hiện đạt được dự toán thu mới phân bổ để giảm bội chi (nếu có), chi cho đầu tư và những nhiệm vụ, chế độ, chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định theo chế độ quy định./.

MINH ANH