Chuyển hướng gói hỗ trợ lãi suất

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 21:50, 25/12/2023

(BKTO) - Chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến hết tháng 10/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.185 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 63.612 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng cho hơn 2.240 khách hàng. Dự kiến đến hết năm nay, chương trình này cũng chỉ giải ngân được hơn 1.400 tỷ đồng.
ho-tro-lai-suat.jpg

Con số giải ngân chưa như kỳ vọng

Đánh giá về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ khi chính sách được ban hành tới nay, NHNN và ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để các đối tượng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sớm được thụ hưởng chính sách thông qua các hội nghị, cuộc họp chuyên đề hỗ trợ lãi suất; ban hành văn bản giải đáp các vấn đề phát sinh, hướng dẫn, đôn đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai.

Song song với đó, NHNN và bản thân các NHTM tổ chức truyền thông rộng rãi qua nhiều hình thức để khách hàng hiểu đầy đủ về chính sách hỗ trợ lãi suất từ NHTM.

Thậm chí đường dây nóng còn được lập tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các NHTM để nắm bắt thực tế phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, NHNN đã thành lập các đoàn công tác liên bộ khảo sát thực tế tình hình tại một số địa phương, kịp thời đôn đốc, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho NHTM và khách hàng.

Mặc dù ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất vẫn còn thấp, chưa được như kỳ vọng. Theo chia sẻ của Phó Thống đốc, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất như khách hàng hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh... Tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng là rào cản.

Đánh giá về khả năng “phục hồi” theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định cũng rất khó. Ngoài ra, một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. 

Hiện bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với khi ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp thay đổi. Kết quả từ các đoàn khảo sát liên bộ cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhận hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế thay vì hỗ trợ lãi suất.

Tháo gỡ cơ chế hay chuyển hướng cho vay?

Ở góc độ đơn vị trực tiếp triển khai hỗ trợ lãi suất , ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho rằng, lý do khiến gói hỗ trợ này triển khai chậm là do hiện tại lãi suất cho vay đang giảm khá mạnh. Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nên nhu cầu về phía khách hàng đối với gói hỗ trợ này không cao.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cũng thừa nhận, hiện lãi suất cho vay đang khá tốt nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay gói tín dụng hỗ trợ lãi suất dù ngân hàng đến tận nơi để thông báo đủ điều kiện được hỗ trợ. Chưa kể thủ tục tham gia gói hỗ trợ khá phức tạp không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền…

“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp gia đình, cơ cấu gọn nhẹ. Muốn có báo cáo, hợp đồng, hóa đơn chuẩn chỉnh… thì sẽ phát sinh chi phí thuê kế toán, làm giảm thu nhập doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ thêm. Ngoài vấn đề trên, điều doanh nghiệp e ngại nhất khi tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất là sợ bị thanh kiểm tra chống trục lợi chính sách giai đoạn hậu kiểm.

Từ những khó khăn, vướng mắc khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% không đạt mục tiêu và tính hiệu quả, giới chuyên môn kiến nghị nên điều chuyển gói hỗ trợ này sang hình thức hỗ trợ khác như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, là những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãnh đạo một ngân hàng đề xuất chuyển hướng hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xanh… Hiện tại ngân hàng và doanh nghiệp đang chịu sức ép rất lớn từ việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường – xã hội – quản trị) sau khi Việt Nam đưa ra mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26 và cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Việc áp dụng các yêu cầu về ESG đòi hỏi một quá trình dài hơi, buộc doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều từ tư duy quản trị đến quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm, nhất là vấn đề chi phí đầu tư cao. Vì vậy, nếu chương trình hỗ trợ lãi suất 2% triển khai không hiệu quả có thể chuyển hướng sang hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển bền vững.

“Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nên tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của quốc gia, thậm chí là toàn cầu. Do đó, việc hỗ trợ lãi suất , giảm chi phí tài chính sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh tế xanh nhiều hơn”, lãnh đạo ngân hàng này kiến nghị.

Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất này, nếu chưa điều chuyển đối tượng thụ hưởng, trước mắt theo TS. Châu Đình Linh phải gỡ vấn đề cơ chế. Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải trao quyền nhiều hơn cho các ngân hàng, giảm thiểu các thủ tục hành chính, kích hoạt khả năng giám sát của cơ quan thẩm quyền chứ không quy trách nhiệm, hình sự hóa vấn đề kinh tế. Có như vậy các ngân hàng mới có động lực, mạnh dạn triển khai.

NHNN cũng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa./.

NGUYỄN VŨ