Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Ngành tài chính có đóng góp quan trọng với nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 19:43, 27/12/2023
Thu NSNN tăng 4,5% so với dự toán, giảm 4,2% so với cùng kỳ
Năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023, với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, có rất nhiều chính sách lớn, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.
Đến hết ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 72,7 nghìn tỷ đồng (tăng 4,5%) so với dự toán, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương (NSTƯ) tăng 4,6%; ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 4,4% so với dự toán). Trong đó, thu nội địa tăng 5,7%; thu dầu thô đạt tăng 44,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.
Bộ Tài chính cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tài chính – NSNN trong năm 2024: Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu; đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tổ chức điều hành chi NSNN năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả... Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Ưu tiên chi đầu tư phát triển
Năm 2023, Bộ Tài chính đã ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của NSTƯ, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng (3 năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025, cả nước đã hoàn thành trên 730 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao đường cao tốc lên 1.900km).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xử lý các vấn đề phát sinh như: bố trí kinh phí mua vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo các nội dung bất cập giữa 2 Luật NSNN và Luật Đầu tư công.
Tổng số chi NSNN đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán.
Công tác chi NSNN đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối NSTƯ và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu -GDP cả năm ước tăng khoảng 5% (mục tiêu tăng trưởng là 6,5%), nhưng thu ngân sách dự kiến hết năm 2023 vượt xấp xỉ 10% dự toán. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành tài chính và các Bộ, ngành, địa phương.
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, nợ xấu cao, các động lực tăng trưởng như thị trường bất động sản, giải ngân đầu tư công... chưa đạt kỳ vọng. Ngành tài chính cần tập trung thu thuế các sàn giao dịch thương mại điện tử, chống gian lận hoàn thuế, chống phát hành hóa đơn giả…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm.
Bộ đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững. Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.
Năm 2023, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch Ratings tiếp tục đánh giá tích cực xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ “Triển vọng ổn định”; S&P và Moody’s giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng là BB+ “Triển vọng ổn định”; Ba2 “Triển vọng tích cực”)./.