Xuất khẩu liên tục tăng, gạo Việt đón sóng tăng trưởng mới

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:41, 28/12/2023

(BKTO) - Năm 2023, ngành hàng lúa gạo thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng với nhiều kỷ lục mới được thiết lập: lượng gạo xuất khẩu ước đạt 8 triệu tấn, giá trị khoảng 4,6 tỷ USD. Kết quả này tạo đà để ngành hàng được ví như hạt "vàng" của nông nghiệp Việt tiếp tục bứt phá trong năm 2024.

Hạt “vàng” của nông nghiệp Việt phá vỡ nhiều kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dự báo cả năm, xuất khẩu gạo sẽ cán mốc lịch sử 8 triệu tấn, giá trị đạt khoảng 4,6 tỷ USD.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, sau khoảng một tuần đi ngang, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trở lại (dao động ở mức 663 USD/tấn đối với gạo 5% tấm). So với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Trong chuỗi điểm sáng đó, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%.

Hiện, thị trường số 1 của gạo Việt Nam là Philippines, chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2023, lượng gạo xuất sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, kết quả này chủ yếu đến từ giá gạo tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… dừng xuất khẩu gạo vài tháng gần đây để ổn định nhu cầu lương thực trong nước.

dscn2508.jpg
Nhờ chủ động trong sản xuất mùa vụ, dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo năm 2023. Ảnh: N.Lộc

Ngoài ra, nguyên nhân còn được các chuyên gia nhận định là do nhu cầu lương thực tăng mạnh bởi xung đột giữa một số quốc gia trên thế giới khiến cho chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn cũng ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên lượng xuất khẩu giảm…

Theo VFA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thậm chí đã chốt xong đơn hàng của quý I/2024 thay vì như nhiều năm trước là vẫn phải chật vật tìm kiếm hợp đồng để hoàn thành kế hoạch của năm. 

Về triển vọng cho năm 2024, VFA đánh giá xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, theo dự báo về tình hình nhu cầu lương thực thế giới cho thấy, mức tiêu thụ gạo dự báo khoảng 525 triệu tấn, trong khi sản lượng gạo đạt mức 520 triệu tấn.

“Thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo năm tới, trong khi lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm. Đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam” - ông Tiệp chia sẻ.

Thời cơ, thách thức đan xen

Việc tăng lượng gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá cao giúp thu nhập của cả chuỗi ngành hàng có nhiều khởi sắc. Song các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần tính toán để đảm bảo xuất khẩu gạo mang lại lợi ích không chỉ trong ngắn hạn. Trong đó, yêu cầu cấp thiết là chuẩn bị tốt nguồn cung từ khâu sản xuất, chú trọng chất lượng của sản phẩm... 

dsc_0327.jpg
Ngành NNPTNT khuyến khích gieo trồng các giống lúa ngắn ngày để đảm bảo nguồn cung gạo cho thị trường. Ảnh: N.Lộc

Với kế hoạch gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10, đến tháng 01/2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới. Cộng với sản lượng thu hoạch cuối năm 2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chủ động trong tìm đối tác, thị trường xuất khẩu gạo.

Theo VFA, nhìn lại vừa qua, bên cạnh điểm sáng, việc tăng giá gạo nhanh, nhu cầu lớn thời gian qua cũng làm bộc lộ những bất cập trong hoạt động xuất khẩu gạo. Trong đó, nổi cộm là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.

“Mặc dù vấn đề này đã được khắc phục kịp thời, nhưng cũng đặt ra vấn đề đáng lưu tâm cho hoạt động xuất khẩu gạo trong tương lai” - Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, để phát triển lâu dài, ngành hàng lúa gạo cần chuyển hướng theo chuỗi giá trị, kết nối cung cầu và thị trường, với sự tham gia từ phía người sản xuất, cho đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; khuyến khích trồng các giống lúa ngắn ngày... 

"Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro, nhất là khi giá cả tăng cao. Tương tự, người trồng lúa khó bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đầu ra bấp bênh" - ông Thịnh cho biết.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai sẽ cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam: tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu…

Bộ NNPTNT

Khẳng định cơ hội luôn đi kèm với thách thức, các chuyên gia cho rằng ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới. Do đó, khi mặt hàng này gắn với thương hiệu và uy tín quốc gia thì cần phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. 

Theo đó, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất để góp phần bảo đảm chất lượng lúa gạo, đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi gian lận, cung ứng gạo không đảm bảo chất lượng ra thị trường../.

N.LỘC