Nhận diện động lực tăng trưởng và thách thức đối với nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 11:05, 28/12/2023
Thưa bà, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tương đối tích cực so với nhiều nền kinh tế. Bước sang năm 2024, theo bà, đâu là những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế?
Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể được dựa trên một số động lực quan trọng. Thứ nhất, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thể phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra tín hiệu hạ lãi suất từ năm tới. Dù cần thêm phân tích và dự báo ở thị trường Mỹ, song động thái này ít nhiều đã tạo thêm niềm tin về việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu ở thị trường Mỹ. Mặt khác, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và một loạt các FTA đang đàm phán, chúng ta cũng có thể tự tin vào việc “tích cóp” và khai thác hiệu quả cơ hội ở nhiều thị trường đối tác. Ngoài ra, nếu tiếp tục giữ cách tiếp cận thân thiện và cải thiện năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch, chúng ta cũng có thể kỳ vọng gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, giúp cải thiện doanh thu cho các ngành, dịch vụ du lịch.
Thứ hai, đầu tư công có thể giải ngân mạnh mẽ hơn. Năm 2023, tổng vốn đầu tư công là gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với năm 2022, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác giải ngân đầu tư công cũng đã phát huy hiệu quả quan trọng, giúp giải ngân đầu tư công được cải thiện cả về tỷ lệ so với kế hoạch và giá trị tuyệt đối. Trên nền tảng tiếp tục tháo gỡ các khó khăn cho đầu tư công, chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay, năm 2024, đầu tư công có thể giải ngân tốt hơn, nhanh hơn và có tác động lan tỏa tích cực hơn.
Thứ ba, tiêu dùng trong nước có thể trở thành một động lực quan trọng hơn. Với thị trường hơn 100 triệu dân và tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình đang không ngừng mở rộng, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp bán lẻ, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mới. Đồng thời, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có thể giúp giảm chi phí giao dịch cho người tiêu dùng, theo đó cải thiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Những động lực trên không mới. Tuy vậy, như tôi đã phân tích ở trên, việc triển khai, tận dụng các động lực từ xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước năm 2024 có thể có nhiều thời cơ, thuận lợi hơn. Cần lưu ý, những thời cơ, thuận lợi ấy cũng một phần đến từ những nỗ lực định hướng, chỉ đạo và “ươm tạo” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ năm 2023.
Bên cạnh những động lực tăng trưởng, theo bà, đâu là những thách thức đối với nền kinh tế trong năm tới?
Kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong năm 2024. Trước hết, xung đột, cạnh tranh địa chính trị ở nhiều khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự hình thành, chuyển hướng và kể cả phát triển của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với những hàng hóa công nghệ cao, hàng hóa quan trọng thiết yếu. Khủng hoảng ở Biển Đỏ mới đây, nếu không sớm được giải quyết, có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối hoạt động vận tải hàng hóa toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 cũng có thể đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không kịp thời, quyết liệt cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới các hình thức hỗ trợ phù hợp cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ có chất lượng nếu đi kèm với việc cải thiện đáng kể năng suất lao động. Theo đó, thách thức sẽ không chỉ nằm ở việc tổ chức triển khai các giải pháp giáo dục, đào tạo kỹ năng cho người lao động, mà còn ở cả các cải cách, chính sách về chuyển đổi số, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức.
Thưa bà, Quốc hội đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6-6,5%, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, từ góc độ cơ quan tham mưu chính sách, bà có thể đưa ra một số khuyến nghị?
Sau một năm 2023 với không ít chuyển biến và cũng nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đã có thêm “trải nghiệm mới”. Hướng tới năm 2024, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%. Theo tôi, bên cạnh khung chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô duy trì bài bản từ các năm trước, cần một số giải pháp chính sách quan trọng.
Một là, Chính phủ cần nghiên cứu, mạnh dạn cụ thể hóa và triển khai các chính sách khuyến khích, cũng như rà soát khung pháp lý để hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn, triển khai sớm hơn các mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Điểm quan trọng là cần nhìn nhận và phát triển các mô hình này trong quan hệ tương tác với nhau, thay vì một cách riêng rẽ.
Hai là, chủ động trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm thực thi hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó cần tập trung vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, gắn với tăng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp doanh nghiệp Việt cải thiện vị trí, tiến tới làm chủ các công đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị, thích ứng hiệu quả với các tiêu chuẩn, quy định mới ở các thị trường đối tác.
Ba là, Chính phủ cần triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải thiện năng suất lao động, gắn với nâng cao kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức. CIEM đã tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức để thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình này.
Xin trân trọng cảm ơn bà!./.