Hội nghị chuyên đề lần thứ 7: Đúc kết những kinh nghiệm quý về kiểm toán môi trường
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:05, 01/10/2018
(BKTO) - Trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14), Hội nghị Chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một trong những chương trình nghị sự trọng tâm của Đại hội. Qua 3 phiên làm việc, cộng đồng ASOSAI đã trao đổi, thảo luận tích cực để đi đến thống nhất chung về cách hiểu, trình tự, thủ tục và quy trình, phương pháp thực hiện kiểm toán môi trường (KTMT) trong mối tương quan với sự phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị Chuyên đề lần thứ 7 - Ảnh: H. Ngân
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc - Chủ tịch ASOSAI - nhấn mạnh, môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu đối với từng quốc gia. Suy thoái môi trường sinh thái toàn cầu tác động đến biến đổi khí hậu, dẫn đến những thảm họa thiên tai khủng khiếp, khó lường, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Trong thời gian tới, những thách thức về môi trường được dự báo ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thực hiện KTMT vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Chủ tịch ASOSAI: Để đạt được mục tiêu quan trọng của Hội nghị về đẩy mạnh KTMT, các SAI thành viên của ASOSAI cần thiết lập mạng lưới và phương pháp luận liên quan đối với phát triển bền vững, từ đó đưa ra các giải pháp, phương pháp, cách thức kiểm toán sát thực, phù hợp nhất tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi SAI. |
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) Harib Saseed Alameemi khẳng định, 25 năm qua, môi trường là vấn đề quan tâm hàng đầu trong cộng đồng INTOSAI. INTOSAI đã thành lập Nhóm công tác về KTMT, do SAI Indonesia làm Chủ tịch với các thành viên đến từ 50 SAI. “Tôi hy vọng Hội nghị chuyên đề này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển chuyên môn của Nhóm công tác INTOSAI về KTMT” - Chủ tịch INTOSAI bày tỏ.
Dưới sự điều hành của các SAI Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc, Hội nghị đã trải qua 3 phiên làm việc với các báo cáo về chủ đề chung của Hội nghị, các ý kiến đến từ Cơ quan Sáng kiến phát triển của INTOSAI (IDI), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), cũng như các SAI thành viên và dành thời gian thảo luận, giải đáp các vấn đề liên quan. Theo đánh giá của Chủ tịch ASOSAI, mỗi báo cáo quốc gia trình bày đã cho thấy những kinh nghiệm và cách nhìn khác nhau của từng SAI, nhưng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các SAI trong việc thực hiện KTMT hướng đến sự phát triển bền vững.
Nỗ lực hành động vì mục tiêu bảo vệ môi trường
Trình bày Báo cáo quốc gia “KTMT vì sự phát triển bền vững”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Nguyễn Quang Thành cho biết, từ khi thành lập đến nay, KTNN Việt Nam đã thực hiện một số cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường như: Dự án Đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; môi trường nước lưu vực sông Mê Kông; công tác khai thác khoáng sản tại các địa phương; công tác quản lý và xử lý môi trường tại các khu công nghiệp... Kết quả kiểm toán đã góp phần sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm quản lý môi trường tốt hơn, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
Chủ tịch INTOSAI Harib Saeed Alameemi nhấn mạnh ba bài học kinh nghiệm cho các SAI để hướng đến sự phát triển bền vững, gồm: thiết lập được hệ thống các thông tin thiết yếu; thay đổi cấu trúc và cách thức thực hiện việc ban hành các chính sách của Chính phủ và thúc đẩy áp dụng các giải pháp về công nghệ trong hoạt động kiểm toán các SDG. |
Chia sẻ kinh nghiệm về KTMT, báo cáo của KTNN Malaysia cho biết, trong 10 năm qua, Cơ quan này đã thực hiện hơn 50 cuộc KTMT. Các cuộc KTMT được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các hướng dẫn của Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI. Chủ đề KTMT bao gồm quản lý môi trường nội bộ của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý chất thải, quản lý rừng, quản lý tác động môi trường, ô nhiễm, công nghệ xanh...
Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Indonesia Moermahadi Soerja Djanegara đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ, hợp tác trong thực hiện KTMT. Với vai trò là thành viên sáng lập Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI, KTNN Indonesia đã chủ động giới thiệu và thúc đẩy việc chia sẻ, áp dụng kiến thức, hướng dẫn, chuẩn mực KTMT của INTOSAI vào hoạt động KTMT trong cộng đồng ASOSAI.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hồ Trạch Quân - Chủ tịch Nhóm công tác KTMT của ASOSAI - đánh giá, Hội nghị đã đưa ra được những kết quả cụ thể cũng như định hướng về KTMT, hướng đến phát triển bền vững. Các SAI đã thực hiện các hoạt động KTMT và nỗ lực trong việc điều phối hợp tác, đề xuất các sáng kiến KTMT trong cộng đồng ASOSAI; thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan để duy trì, hiện thực hoá các chương trình điều phối đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu về môi trường… Các kết quả này sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho người dân và gia tăng giá trị cho các SAI. |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc mong muốn, sau Hội nghị, các SAI cần tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động KTMT vì sự phát triển bền vững nói riêng. Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng hy vọng, thời gian tới, KTNN Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ các SAI có thế mạnh về KTMT trong việc chia sẻ những bài học kinh nghiệm, công nghệ và hợp tác về KTMT, cũng như triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực để KTNN Việt Nam từng bước nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, vai trò, chức năng của mình.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 39 ra ngày 27-9-2018