Tuyên Quang thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững
Địa phương - Ngày đăng : 15:25, 02/01/2024
Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đó, bố trí vốn ngân sách Nhà nước Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 là 323 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương là 313,6 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển: 135,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 177,7 tỷ đồng); ngân sách địa phương (bố trí tối thiểu 3% so với nguồn vốn được Trung ương phân bổ) là 9,4 tỷ đồng.
Đồng thời, Tỉnh triển khai thực hiện 07 dự án hoạt động của Chương trình gồm: Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình;
Kế hoạch đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4%/năm trở lên, các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên. Đảm bảo 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Thực hiện phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.