Kế hoạch kiểm toán năm 2024: Chú trọng chất lượng!
Kiểm toán - Ngày đăng : 06:11, 04/01/2024
Tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách
Theo KHKT năm 2024, KTNN sẽ tập trung kiểm toán các nội dung quan trọng đối với quốc gia, địa phương nhằm phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) trong việc giám sát, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, địa phương. Trong đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán tại cơ quan tài chính tổng hợp các cấp để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách.
Cụ thể, KTNN sẽ tập trung kiểm toán BCQT ngân sách năm 2023 tại 24 Bộ, ngành; kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và BCQT ngân sách năm 2023 tại 7 cơ quan Bộ, ngành. Tương tự, đối với địa phương, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán BCQT ngân sách đối với 35 tỉnh, thành phố; kiểm toán ngân sách địa phương và BCQT ngân sách địa phương năm 2023 đối với 22 tỉnh, thành phố…
KTNN tiếp tục tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng” được Quốc hội và cử tri quan tâm, bám sát các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, qua đó phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách…
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Nhấn mạnh kiểm toán BCQT ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, kết quả kiểm toán thời gian qua có nhiều phát hiện nổi bật, có giá trị giúp kịp thời cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Năm 2024, ngoài việc đẩy mạnh kiểm toán BCQT ngân sách, KTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, nhất là kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương và ngân sách địa phương, thông qua đó để nâng cao chất lượng kiểm toán BCQT ngân sách…
Qua công tác thẩm tra, cho ý kiến về KHKT năm 2024 của KTNN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán của KTNN, trong đó có việc đặt trọng tâm kiểm toán BCQT trong KHKT hằng năm và trung hạn.
Qua thực tiễn kiểm toán, đại diện đơn vị kiểm toán và các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay cần được KTNN tiếp tục quan tâm làm rõ, đó là vấn đề chi chuyển nguồn có dấu hiệu gia tăng. Theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, KTNN đã làm tốt vấn đề này và cần tiếp tục làm sâu, đánh giá tổng thể hơn nữa để có những kiến nghị cụ thể hơn, qua đó giúp Nhà nước có biện pháp khắc phục từ các quy định mang tính cơ chế, vĩ mô cho đến công tác quản lý ngân sách của từng cơ quan, địa phương. Với việc KTNN thu gọn các nội dung kiểm toán, đồng thời ưu tiên kiểm toán BCQT, ông Thanh kỳ vọng đây sẽ là cơ hội tốt để KTNN tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán, từ đó mang lại đóng góp ngày càng giá trị hơn cho công tác quản lý tài chính công.
Còn theo PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), trong bối cảnh nền kinh tế đang hướng đến phục hồi trên cơ sở triển khai các nghị quyết của Quốc hội, KHKT của KTNN đã đảm bảo tinh gọn nhằm tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị tập trung sản xuất, phục hồi sau đại dịch; nhưng đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm, nhạy cảm của KTNN khi chú trọng những vấn đề trọng yếu, lĩnh vực có tính rủi ro cao để kiểm toán nhằm cảnh báo, phòng ngừa, chấn chỉnh kịp thời sai sót có thể xảy ra.
Tập trung kiểm toán chuyên đề để đánh giá tận cùng vấn đề
Với phương châm hành động “gọn nhưng chất lượng”, cùng với việc lựa chọn kiểm toán các nội dung, chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách, những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, trong KHKT năm 2024, KTNN tiếp tục chú trọng kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) để đi sâu làm rõ các nội dung được lựa chọn kiểm toán.
Cụ thể, số cuộc KTCĐ chiếm 24 cuộc trong KHKT. Trong đó, KTNN sẽ kiểm toán việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023; kiểm toán việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 giai đoạn 2021-2023 tại nhiều Bộ, ngành, địa phương... Đáng chú ý, KTNN sẽ kiểm toán công tác quản lý giá điện giai đoạn 2022-2023. Đây là những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Đánh giá về các chủ đề kiểm toán được lựa chọn, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho biết, đây là các chuyên đề có phạm vi rộng và tầm ảnh hưởng lớn (trong phạm vi cả nước hoặc địa phương), qua kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách… nhằm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương.
Khẳng định việc tăng cường thực hiện KTCĐ là hướng đi đúng và đã được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đại diện KTNN khu vực V cho biết, với đặc thù phạm vi kiểm toán kéo dài trong nhiều thời kỳ so với các cuộc kiểm toán khác sẽ giúp KTCĐ có cơ hội nhìn nhận vấn đề xuyên suốt trong một quá trình để đưa ra những đánh giá có giá trị, thuyết phục về công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Những ưu thế này sẽ giúp KTCĐ đi sâu làm rõ “đến tận cùng” của vấn đề mà ít gặp phải rào cản về giới hạn kiểm toán.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn, nhờ lựa chọn đúng, trúng chủ đề kiểm toán, kết quả KTCĐ thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp cho công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được hiệu quả, minh bạch hơn; hoạt động kiểm toán đã tạo lòng tin trong dư luận và công chúng./.