Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2024 nới lỏng chính sách tài khóa thận trọng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:12, 04/01/2024
Thưa Bộ trưởng, đến hết ngày 25/12/2023, thu ngân NSNN đạt 1.693.500 tỷ đồng, tăng 72.700 tỷ đồng (tăng 4,5%) so với dự toán. Tuy nhiên, số thu này giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ông nhận định như thế nào về điều này?
Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, ngành tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Trước tiên, về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đây là nhiệm vụ được Bộ Tài chính luôn coi trọng, thực hiện chủ động để thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, giúp công tác quản lý tài chính - NSNN ngày càng minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả.
Ước thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán; tính cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách vượt khoảng 9-10% so với dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức chống chịu của DN đến hạn, kết hợp với việc thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí thì kết quả thu NSNN năm 2023 là tích cực, là dấu ấn quan trọng trong điều hành NSNN năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Về điều hành NSNN, Bộ thực hiện điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội ban hành đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Ước tính các gói hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới 200.000 tỷ đồng. Đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024.
Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu thông qua việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu lớn để quản lý thu, quản trị rủi ro, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu NSNN.
Nhờ đó, ước thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán; kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9-10% so với dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức chống chịu của DN đến hạn, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân, kết quả thu NSNN cả năm như trên là kết quả tích cực, là dấu ấn quan trọng trong điều hành NSNN năm 2023.
Mục tiêu chính của ngành tài chính năm 2024 là gì, thưa ông?
Năm 2024, ngành tài chính phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Mục tiêu lớn của ngành tài chính năm 2024 là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, Trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp:
Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn. Đổi mới quản lý chi thường xuyên; bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu DN, bảo hiểm. Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế...
Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất gì về thuế, phí và lệ phí để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN?
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700.000 tỷ đồng. Trong đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng. Năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024.
Trước mắt, Bộ sẽ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng để chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống. Dự kiến khi thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 25.000 tỷ đồng.
Bộ sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN khoảng 42.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025. Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, DN khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.