Vì sao lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động?
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:12, 04/01/2024
Lý giải nguyên nhân lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh chóng, hiện tại bình quân lãi suất huy động tại các giao dịch mới phát sinh chỉ ở mức 3,9%/năm. Có đến 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng do trung và dài hạn.
Theo ông Phạm Chí Quang, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện đang rất thấp ở mức 0,2 - 0,5%/năm, tạo điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp.
Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch Covid-19.
Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong thời gian dài qua nhưng 50% dơ nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn, điều này đồng nghĩa với kỳ điều chỉnh lãi suất dài (thường là 12-20 tháng). Vì vậy, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa xo với lãi suất huy động.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm, lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn rằng đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa.
Đến ngày 03/01/2024, thêm loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động. Chỉ sau hai ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2024, đã có 5 ngân hàng công bố giảm lãi suất./.