Bước ngoặt 35 năm thu hút FDI

Kinh tế - Ngày đăng : 18:44, 05/01/2024

(BKTO) - Trong chặng đường 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Việc gia tăng các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ thời gian qua đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới.
1.jpg
Sản xuất các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục thu hút 36,6 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 62,2%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 7,9 tỷ USD, giảm 22,1%; tổng giá trị vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so cùng kỳ.

Gia tăng niềm tin của nhà đầu tư

Bình luận về kết quả này, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết trong tổng vốn FDI đăng ký năm 2023, vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần tăng rất cao, đóng góp vào mức tăng chung ấn tượng của dòng vốn FDI đăng ký năm 2023.

Duy nhất chỉ có vốn đăng ký điều chỉnh giảm 22%, nhưng mức giảm này đã cải thiện rất nhiều so với mức giảm trong những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, số lượt dự án điều chỉnh vốn đã tăng 14%, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

“Kết quả này có được là nhờ môi trường đầu tư Việt Nam luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Trong năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ được tăng cường, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với

Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ đưa đến làn sóng đầu tư mới và có chất lượng. Qua đó có thể lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo”, bà Phí Thị Hương Nga nhận định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn đánh giá, đây là thời điểm có tính chất bước ngoặt trong lịch sử 35 năm thu hút FDI tại Việt Nam. Đặc biệt với tiềm lực về đất hiếm, Việt Nam có lợi thế rất lớn trong thu hút vốn chất lượng cao từ Hoa Kỳ. Thực tế, Việt Nam đã đón tiếp nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong năm vừa qua.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, việc các nhà đầu tư Hoa Kỳ xúc tiến hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ tác động làm gia tăng hoạt động đầu tư của các nước EU đến Việt Nam, nhất là các nước có công nghệ nguồn như Đức, Anh, Thụy Điển…

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 nhờ được hỗ trợ bởi các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ, tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động hợp tác đầu năm 2024. Từ diễn biến mới này có thể nhận thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong thu hút đầu tư như thời kỳ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng điểm khác biệt là thời điểm này, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút vốn chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới.

2.jpg
Sản xuất sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên. (Ảnh VIẾT CHUNG)

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật

Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang chững lại, Việt Nam đang nỗ lực thực thi những giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, trong đó có việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ về nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, liên quan đến hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện cơ chế một cửa; xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư vào năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để đón nhận dự án đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn với chính sách ưu đãi cao nhất. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội giao Chính phủ trong năm 2024 thực hiện rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư. Nhiệm vụ này được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện.

Tại dự thảo “Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Về cơ bản, các ưu đãi đầu tư chủ yếu của Việt Nam tập trung vào ba nhóm. Đó là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu; ưu đãi về tài chính đất đai. Các tiêu chí để được hưởng ưu đãi đầu tư được thiết kế theo địa bàn đầu tư, ngành nghề, lĩnh vực đầu tư và quy mô dự án đầu tư.

Thành tựu của chính sách thu hút đầu tư thể hiện ở kết quả khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đặc biệt, một số dự án FDI lớn, được Chính phủ ban hành các ưu đãi thuế cao như các dự án của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đã đóng góp mạnh mẽ vào xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu từ các dự án của Samsung tại Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Samsung đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế…

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể theo đuổi các chính sách thu hút các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn, có năng lực sản xuất và liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ thế mạnh về sự ổn định chính trị, vị trí địa lý thuận lợi và độ mở nền kinh tế lớn khi tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những hạn chế của chính sách đầu tư hiện nay như ưu đãi đầu tư chưa đa dạng, chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập mà hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí, theo đó chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài.

Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cũng chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong luật nhưng không có hướng dẫn cụ thể để triển khai cho nên chưa có tác dụng trong thực tế. Các ưu đãi thuế được quy định tại nhiều luật thuế khác nhau, gây ra vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi, áp dụng ưu đãi và gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Tính đến ngày 20/12/2023 Việt Nam đã thu hút gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này, 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đến nay, có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương, vốn FDI đã được đầu tư vào 19/21 ngành nghề sản xuất kinh doanh của Việt Nam

PHƯƠNG ANH