“Gió đảo chiều” trên thị trường tiền tệ, giá vàng trở lại nhịp bình ổn
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:40, 06/01/2024
Tăng trưởng tín dụng bùng nổ
Một trong những thông điệp đáng chú ý nhất được NHNN công bố tuần qua là việc tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt tới 13,5%.
Trước đó, cũng theo số liệu của NHNN tính đến 22/11, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 8,21% và theo đó tín dụng đã tăng thêm tới gần 5,3% chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Diễn biến bùng nổ của tăng trưởng tín dụng của tháng 12 “đảo chiều” hoàn toàn so với bối cảnh chung của gần 11 tháng trước đó, khi tín dụng luôn trong trạng thái tăng trưởng chậm so với kỳ vọng.
NHNN cho biết, đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,25%.
Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024
Ngay đầu năm 2024, NHNN đã đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm và phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho các ngân hàng thương mại.
Thông tin về tăng trưởng tín dụng vừa được NHNN công bố tuần qua ghi nhận dòng tiền đang bơm mạnh vào nền kinh tế. Ảnh: T.L |
NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Cơ quan điều hành thị trường tiền tệ cho biết, đã tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đặt mục tiêu nợ xấu năm 2024 dưới 3%
Một trong những công việc được ngành ngân hàng tập trung thực hiện là phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; song song với đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Ngoài ra, các ngân hàng tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Các ngân hàng cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hoạt động ngân hàng hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Trong năm 2024, NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật được ban hành.
Tỷ giá ổn định
Tỷ giá tuần qua diễn ra khá ổn định. Sau đợt nghỉ lễ đầu năm dương lịch, Vietcombank niêm yết tỷ giá hôm 2/1 ở mức 24.495 đồng/USD. Sau đó, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank có một số phiên tăng nhẹ trước khi quay đầu giảm trở lại vào cuối tuần về mức 24.510 đồng/USD.
Cung ngoại tệ trong giai đoạn vừa qua vẫn khá ổn định, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 1,86%. Trong khi đó, NHNN cũng cho biết trong năm 2023 đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối. Theo đó, lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
NHNN đã thực hiện tăng mua dự trữ ngoại hối trong năm 2023. Ảnh: T.L |
Vàng qua thời sóng gió
Giá vàng sau giai đoạn nổi sóng cuối năm 2023 đã trở lại trạng thái bình ổn, diễn biến thị trường tuy đôi lúc cũng có trồi sụt, nhưng không “nhảy múa” như trong giai đoạn trước.
Hiện nay, các công ty vàng đã đưa khoảng cách chênh lệch mức giá mua vào/bán ra đối với giá vàng miếng SJC 9999 lên tới 3 triệu đồng mỗi lượng. Theo đó, giá vàng miếng trong suốt tuần qua thường dao động quanh mức khoảng 72 - 72,5 triệu đồng/lượng mua vào và khoảng 75 - 75,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn có chênh lệch mua vào/bán ra ít hơn, với mức chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng. Biến động giá vàng nhẫn SJC 9999 trong tuần qua khoảng trên dưới 62 triệu đồng/lượng mua vào và khoảng trên 63 triệu đồng/lượng bán ra.
Diễn biến giá vàng thế giới tuần qua ghi nhận xu hướng giảm, khởi đầu năm 2024 với mặt bằng giá khoảng trên 2.070 USD/ounce nhưng đến cuối tuần giảm về mức chỉ còn khoảng 2.041 USD/ounce. Giá vàng thế giới giảm một phần do đồng USD đã nhích tăng trở lại chút ít, với chỉ số DXY hiện ở mức khoảng hơn 102 điểm.
Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới hiện vẫn có tâm lý kỳ vọng vào khả năng tăng giá khi lãi suất bước vào xu hướng giảm trong năm 2024.
Doanh số thanh toán tăng trưởng mạnh trong năm 2023
NHNN cho biết, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng khả quan; năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng từ 50,3-99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán; các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa, trong đó nhiều nghiệp vụ đã số hoá 100% góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho nền kinh tế.