Bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Đầu tư - Ngày đăng : 07:00, 07/01/2024

(BKTO) - Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là nhiệm vụ trọng tâm, trong năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và đạt mức giải ngân vốn rất cao. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (QLXDCT) Nguyễn Hải Thanh đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về những đột phá này.
94bff897f59d5ec3078c.jpg
Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt những kết quả đột phá trong giải ngân vốn ĐTC. Ảnh TL

Đến nay, Bộ NNPTNT là một trong những Bộ, ngành thuộc tốp đầu về kết quả giải ngân vốn ĐTC. Xin ông có thể cho biết rõ hơn về công tác quản lý ĐTC của Bộ năm qua, thưa ông?

Tổng kế hoạch vốn ĐTC trung hạn 2021-2025 Bộ NNPTNT được giao là 78.183,9 tỷ đồng. Triển khai kế hoạch ĐTC trung hạn, đến nay có 244 dự án đã được phê duyệt (riêng năm 2023 phê duyệt 143 dự án), trong đó 141 dự án đang thi công, 103 dự án đang lập thiết kế.

Ngay từ đầu năm, Bộ đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 là 9.852 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng). Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó Cục QLXDCT là đơn vị đầu mối thường xuyên rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn để thúc đẩy giải ngân kế hoạch năm 2023.

cuc-o-thanh(1).jpg

Kết quả giải ngân vốn trong nước năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 98-100%, vốn nước ngoài ODA đạt 75,2% (cao hơn trung bình cả nước) và thuộc tốp đầu các Bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư côngCục trưởng Nguyễn Hải Thanh. Ảnh: N.Lộc

Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tổ chức nhiều cuộc họp nắm bắt tình hình triển khai, đôn đốc tiến độ; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để nhận diện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy các chủ đầu tư tích cực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch vốn năm 2023. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án) đối với các dự án mở mới…

Từ sự quyết liệt, sát sao và giao việc rõ người, rõ trách nhiệm như vậy đã góp phần quan trọng đưa đến kết quả giải ngân vốn ĐTC của toàn ngành như vừa qua.

Qua thực tiễn triển khai và dự báo tình hình, xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC năm 2024 ngành nông nghiệp có thể gặp phải, thưa ông?

Qua theo dõi tổng hợp tình hình và dự báo từ các cơ quan chức năng, năm 2024 tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn đối với kinh tế đất nước, từ đó ảnh hưởng đến công tác ĐTC. Trong đó, nhiều khó khăn hiện tại vẫn chưa được tháo gỡ triệt để, như công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; vấn đề quy hoạch; đặc thù xây dựng lĩnh vực nông nghiệp…

Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện rất nhiều các thủ tục, một số địa phương lực lượng thực hiện công tác này rất ít, do vậy nếu không quyết liệt, nhiều dự án đang triển khai có thể không đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Năm 2024 kế hoạch vốn giao thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn (8.610/20.000 tỷ đồng vốn trong nước) dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện các dự án, trong khi đây là năm quyết định thành công của ĐTC trong giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Ngoài ra, đối với các dự án liên quan đến đất rừng (chủ yếu là các hồ chứa nước) nên phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và qua nhiều bước, nhiều thủ tục; việc thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới; xin ý kiến các Bộ, ngành... dẫn đến mất nhiều thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Bên cạnh đó, một số quy định khi áp dụng còn bất cập như: kinh phí cho việc thực hiện công tác trích đo, xây dựng giá đất thuộc thẩm quyền của địa phương nên khó khăn trong việc bố trí vốn để thực hiện do phải lập dự án và phải thông qua Hội đồng nhân dân; thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, xin ý kiến nhà tài trợ (đối với dự án ODA) mất rất nhiều thời gian…

Là đơn vị đầu mối tham mưu cho Bộ và trực tiếp quản lý công tác ĐTC, Cục có giải pháp gì để kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 của Bộ đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?

Năm 2024, ĐTC tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác không chỉ đối với ngành nông nghiệp mà đối với cả nền kinh tế. Để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC trong năm tới, Cục QLXDCT tiếp tục tham mưu Bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, do vốn được giao thấp hơn nhiều so với nhu cầu, Bộ sẽ tập trung ưu tiên các dự án, công trình hoàn thành năm 2024, tiếp đó là các dự án, công trình đang thi công để hoàn thành đưa vào vận hành năm 2025; hạn chế tối đa các dự án triển khai mới; chỉ đạo các chủ đầu tư, quản lý dự án tuyệt đối không để nợ đọng xây dựng cơ bản hoặc triển khai thi công khi chưa có vốn…

Thứ hai, trong quá trình triển khai thi công các dự án, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án, lường trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Cục QLXDCT có sự phân loại dự án ra thành 2 nhóm thuận lợi và khó khăn để có sự giám sát, thúc đẩy hiệu quả. Như với nhóm thuận lợi sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện còn với nhóm khó khăn phải thường xuyên họp rà soát vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân.

dsc_5347.jpg
Khó khăn trong ĐTC của ngành nông nghiệp, đó là hoạt động thi công đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất mùa vụ. Ảnh: N.Lộc

Hay những vướng mắc liên quan đến chậm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương còn chậm dẫn tới khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, Bộ sẽ tích cực phối hợp với địa phương, đơn vị chuyên môn cùng tháo gỡ... 

Thứ ba, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ “mạnh tay” chấn chỉnh các nhà thầu không đủ năng lực, có các biện pháp xử lý đối với nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ. Bên cạnh đó, tăng cường việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ĐTC, quyết tâm chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

Đơn vị sẽ rà soát, báo cáo Bộ trưởng dừng triển khai các dự án không đủ điều kiện phê duyệt dự án đầu tư, những dự án đầu tư không hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục phát động phong trào thi đua “5 nhất” của Bộ trên toàn bộ các công trường thi công năm 2024.

N.LỘC