Phòng ngừa và ngăn chặn hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính
Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 07/01/2024
Do đó, theo các chuyên gia, nhà quản lý, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn các hình thức kinh doanh đa cấp bất chính để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho sự phát triển của ngành kinh doanh đa cấp.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam: Giải pháp phát triển minh bạch và bền vững” mới diễn ra, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh doanh đa cấp là phương thức bán hàng đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2023, cả nước có 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp được cấp phép. Mặc dù số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn, song những năm gần đây doanh thu của ngành bán hàng đa cấp liên tục tăng trưởng tích cực với tỷ lệ tăng trưởng khá cao.
Cụ thể, năm 2020, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành đạt hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2019. Năm 2021, tổng doanh thu của ngành đạt 19.105 tỷ đồng, tiếp tục tăng 24% so với năm 2020. Năm 2022, tổng doanh thu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực về tốc độ tăng trưởng, theo ông Võ Đan Mạch - Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, sự phát triển của ngành kinh doanh đa cấp hiện vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi, sử dụng sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây nhiều hệ lụy xấu cho người tiêu dùng…
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp chân chính, mà còn gây bức xúc trong dư luận, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung cũng như gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt về ngành.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng Ban Truyền thông - Đối ngoại, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như, có tình trạng cùng xin cấp phép kinh doanh một mặt hàng nhưng tại địa phương này thì doanh nghiệp được cấp phép, địa phương khác lại bị từ chối, thậm chí trong cùng một địa phương cũng có sự khác nhau.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phản ánh những khó khăn trong việc chưa được phép sử dụng hợp đồng điện tử gây tốn kém thời gian, chi phí, hay doanh nghiệp gặp khó trong việc đáp ứng quy định về tiêu chuẩn người đại diện doanh nghiệp tại địa phương, cũng như gặp khó khăn bởi quy định tỷ lệ hàng hóa được bán…
Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành kinh doanh đa cấp phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, trước hết các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành, trong đó cần nghiên cứu, bổ sung các quy định theo hướng số hóa cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh và hướng đến tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp; cũng như xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho sự phát triển của ngành.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động trong công tác truyền thông và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để thông tin, tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng về quy định pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp và các hình thức lợi dụng phương thức bán hàng đa cấp để kinh doanh trái phép, lừa đảo, trục lợi…/.