Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% năm 2024
Địa phương - Ngày đăng : 15:28, 07/01/2024
Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 06/01, năm 2023 dù đối diện với những khó khăn nhưng Thành phố đã tìm ra những điểm nghẽn, đề ra các giải pháp giúp tình hình kinh tế - xã hội được cải thiện qua từng tháng, từng quý.
Kết quả, năm 2023, Thành phố tăng trưởng 5,81%, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, Thành phố giải ngân gấp 2 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tiếp tục có kết quả đáng khích lệ, là năm đầu tiên Thành phố vượt qua mốc 50.000 doanh nghiệp.
Thành phố đã đạt được những bước tiến quan trọng về chuyển đổi số, vừa đóng góp cho sự phát triển của Thành phố vừa làm tiền đề cho tăng tốc trong những năm tiếp theo.
Thành phố đã ban hành chiến lược quản trị dữ liệu TP. Hồ Chí Minh; đẩy mạnh việc tái cấu trúc, số hóa quy trình nghiệp vụ và vận hành hệ thống chính quyền trên các nền tảng số. Về tổng thể, chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh đang đứng thứ 2 cả nước. Đây là năm thứ 3, Thành phố liên tục tăng thứ hạng chuyển đổi số. Cổng Dịch vụ công TP. Hồ Chí Minh được xếp hạng 4/63 tỉnh thành, mức A.
Năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%. Để đạt được mục tiêu này, công tác thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn, hỗ trợ đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung hơn nữa. Thành phố tiếp tục quán triệt, nâng cao năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các địa phương, phát huy vai trò của các tổ công tác.
TP. Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp xây dựng hạ tầng số rộng và mạnh; tăng tốc xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, đẩy mạnh hơn xây dựng xã hội số, phát triển công dân số và đảm bảo hiệu quả an toàn thông tin.
Ngành Công thương Thành phố tiếp tục phối hợp để phát triển công nghệ, chuyển đổi xanh, thực hiện các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, phát huy các đơn hàng có sẵn. Thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, phát huy các hoạt động để chuẩn bị các chương trình xúc tiến ở các thị trường ngách, các chương trình khuyến mại. Đặc biệt, tiếp tục đầu tư phát triển các hoạt động logistics, phát huy thực hiện chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo an sinh xã hội.
TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, mức tăng trưởng năm 2024 đề ra là thách thức lớn, khó nhưng không thể không làm được. Thành phố cần có bộ hệ thống quy định những nội dung phân cấp phân quyền rõ ràng thì mới gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đầu tư công. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ những tồn tại. Thành phố có nguồn lực rất lớn, trong đó có lực lượng doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện để Thành phố có thể tổ chức lực lượng này để cùng với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh tạo thành 2 công cụ dẫn dắt đầu tư.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần tập trung một số vấn đề như tiếp tục các giải pháp kích cầu trong nước, tăng khả năng hấp thụ vốn; giải phóng các nguồn lực đang có; quan tâm tiếp tục khơi thông nhu cầu từ nước ngoài thông qua mở ra các thị trường mới, thị trường ngách, chuyển đổi xanh.
Đầu tư công vẫn là cứu cánh quan trọng cho nền kinh tế, năm 2024, TP. Hồ Chí Minh cần chuyển đổi các khu công nghiệp, công nghệ cao; sớm ban hành giá đất các khu công nghiệp mới; nhằm đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự thầu, vay vốn kích cầu. Tận dụng thời cơ để đón dòng chuyển vốn từ các nước./.