Ngành thép có nhiều cơ hội phục hồi trong năm 2024
Kinh tế - Ngày đăng : 10:06, 08/01/2024
Một năm khó khăn của ngành thép
Trong năm 2023, số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản lượng thép thô đạt 17,87 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ còn sản phẩm thép đạt 26,56 triệu tấn, giảm 8,33%.
VSA nhận định, nguyên nhân giá thép trong nước năm 2023 liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm, đầu tư công chưa thực sự khởi sắc. Ngoài ra, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm giá liên tục để giải phóng lượng hàng tồn kho, nhất là giai đoạn mùa mưa - mùa thấp điểm về xây dựng, nên sức tiêu thụ thép càng giảm sút.
Kể từ phiên giảm giá lần thứ 19 - tháng 9/2023, thép nội địa đã có khoảng thời gian hơn 2 tháng không biến động; đến cuối tháng 11 bắt đầu đảo chiều tăng 4 lần liên tiếp. Kéo giá thép từ mức phổ biến hơn 13 triệu đồng/tấn lên mức phổ biến 14,7 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, mặt bằng chung của giá thép thời điểm này cũng chỉ ngang mức tháng 7/2023 và tương đương tháng 8/2022, vẫn nằm trong vùng giá thấp nhất 3 năm gần đây.
Kết thúc năm 2023, giá thép có tổng 29 đợt điều chỉnh tăng chính thức, với 19 đợt giảm và 10 đợt tăng. Cho thấy xu hướng giảm giá là chủ đạo và giảm trung bình từ 9,6-10,4% so với năm 2022.
Tuy giá thép đang ở vùng giá thấp nhưng giới phân tích nhận định, giá thép có xu hướng ấm dần lên khi trong thời điểm cuối năm và đầu năm mới các doanh nghiệp thép liên tục tăng giá bán và sản lượng tiêu thụ cũng được cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp thép cũng bắt đầu chuyển lỗ thành lãi. Bên cạnh đó, với hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường BĐS đã được ban hành sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS, tạo cơ hội khôi phục nhu cầu tiêu thụ thép từ năm 2024.
Nhiều “cửa sáng” phục hồi cho ngành thép 2024
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 1,9% lên 1,85 tỷ tấn vào năm 2024.
Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán FPT (FPTS), sản lượng sản xuất ngành với thép thô và nhóm sản phẩm thép năm 2024 sẽ đạt lần lượt là 19,15 triệu tấn, tăng 7,16% so với cùng kỳ và 28,36 triệu tấn, tăng 6,76%.
Sản lượng bán hàng sản phẩm thép kỳ vọng tăng lần lượt 8,68% và 5,19% năm 2024, tạo dư địa cho các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất.
FPTS cho rằng mức phục hồi nhu cầu thép năm 2024 dự kiến chỉ bắt đầu từ quý II. Yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất của ngành thép trong năm nay đến từ sự phục hồi của ngành xây dựng dân dụng, trong khi mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng của năm 2023.
Sản lượng thép nội địa được tiêu thụ nhiều nhất trong hoạt động xây dựng dân dụng. Do vậy, kỳ vọng xây dựng dân dụng bắt đầu phục hồi trong quý IV/2023 và sôi động kể từ quý II/2024 tạo cú hích lớn cho nhu cầu sản phẩm thép trong nước.
Công ty Chứng khoán MBS nhận định, lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Trên cơ sở, doanh thu dự kiến hồi phục 25% so cùng kỳ, nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng tương ứng khoảng 9% và 8%. Cộng thêm, biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13%. Mặt khác, chi phí tài chính dự báo giảm 30% cùng kỳ trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.
Cụ thể hơn, các chuyên gia nhận định ngành thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2024 nhờ 3 động lực từ sự phục hồi của thị trường bất động sản; đầu tư công được đẩy mạnh và giá thép tăng trở lại.
Thứ nhất, về triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Sau một năm ảm đạm, Công ty CP Chứng khoán VPBank kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng mạnh mẽ trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024.
Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý 3/2023 mới bằng khoảng 73% so với quý 3/2022 nhưng đã tăng tới 24,7% so với quý 2/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo thống kê của CBRE, mặc dù tình hình bất động sản trên cả nước vẫn còn ảm đạm nhưng đã có một số tín hiệu tích cực khi từ quý 3/2023, lượng cung cầu về căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã tăng lên. Đặc biệt, mức độ hấp thụ đã vượt trên tốc độ bán trong 2 quý gần đây, cho thấy nguồn cầu đang hồi phục từ đáy.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ về chính sách quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn cuối năm để tháo gỡ thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng tạo đầu ra cho ngành thép trong năm 2024.
Thứ hai là kỳ vọng vào khởi sắc từ đầu tư công. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng. hiện nay Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá.
Điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước. Kỳ vọng với những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành, thị trường thép sẽ được hồi phục thông qua những tín hiệu tích cực từ bất động sản, xây dựng.
Thứ ba là kỳ vọng giá thép sẽ tăng. Hiện các chuyên gia dự báo giá thép sẽ sớm lấy đà tăng trở lại. Hiện với vị thế chiếm hơn 50% sản lượng thép sản xuất hàng năm trên thế giới, hoạt động của ngành thép Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới ngành thép toàn cầu. Mỗi một diễn biến về giá thép Trung Quốc trên sàn giao dịch đều có ảnh hưởng ngay lập tức đến thị trường thép trên toàn thế giới.
Hiện giá thép Trung Quốc đã gần chạm ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2017 và bắt đầu có những tín hiệu phục hồi trong quý III/2023 nhờ vào thị trường xuất khẩu thuận lợi và tồn kho thép xuống thấp. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc sẽ phát hành 139 tỷ USD trái phiếu để tái xây dựng các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Những điều này kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, đưa giá thép tiếp tục tăng trong năm 2024. Chính vì thế, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể kỳ vọng vào tính chu kỳ của ngành thép khi thị trường thép thế giới tăng trưởng trở lại./.