Vừa mừng vừa lo trước động thái tín dụng "bùng nổ"
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 21:45, 08/01/2024
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung |
Mừng tín dụng tăng vọt
Diễn biến tín dụng, sau gần 11 tháng đầu năm khá chậm chạp, đã có sự tăng tốc rất mạnh mẽ trong tháng cuối cùng của năm và đặc biệt "bùng nổ" chỉ trong 10 ngày cuối năm.
Cụ thể các số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến 22/11 đạt 8,21% nhưng đã bứt tốc khá nhanh chỉ trong 1 tháng sau đó khi đạt 11,09% tính đến ngày 21/12. Diễn biến này cho thấy, trong gần 11 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt bình quân chỉ khoảng hơn 0,7% mỗi tháng, nhưng chỉ riêng 1 tháng từ 22/11 đến 21/12 đã đạt tăng trưởng tới 0,3%.
Đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm 2024
NHNN đã đưa ra mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Định hướng của các ngân hàng là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh.
Đến 31/12, số liệu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 13,5%. Như vậy, tín dụng chỉ trong 10 ngày cuối cùng của năm đã đạt tốc độ tăng thêm tới hơn 2,4%. Mặc dù theo thông lệ các năm trước, những ngày cuối năm thường là thời điểm tín dụng được bơm mạnh hơn so với bình quân các thời kỳ khác trong năm, diễn biến 10 ngày cuối năm 2023 có thể coi giai đoạn “siêu tốc” của tăng trưởng tín dụng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm 2023 như trên một phần có được các nỗ lực thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ khá khăn, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đồng thời, các chính sách ban hành từ trong năm 2023 cũng đã thể hiện độ “ngấm” vào nền kinh tế. Trong đó, năm 2023, NHNN đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến thời điểm này, mức lãi suất cho vay đã xuống rất thấp kể cả lĩnh vực không phải đối tượng ưu tiên, mặt bằng lãi suất đã giảm tương đương mức 20 năm về trước.
Lo đề phòng những rủ ro phát sinh
Sau khi NHNN công bố tốc độ tăng trưởng tín dụng 13,5%, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng khá tích cực. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bứt tốc mạnh sau đó, truyền cảm hứng cho nhiều cổ phiếu khác cũng tăng điểm. Hiện tại, chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc 1.150 điểm.
Ảnh minh họa |
Thông tin tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng đầu năm khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đặt nhiều kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn có cơ sở. Lý do là tín dụng tăng cao đồng nghĩa với doanh thu của các ngân hàng cũng sẽ tăng theo bởi thu nhập của các ngân hàng hiện nay vẫn phụ thuộc phần lớn từ thu nhập lãi thuần (chênh lệch lãi huy động và cho vay).
Ngoài ra, số liệu được NHNN công bố cũng cho thấy các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng cũng đang có những diễn biến tích cực, đặc biệt là dịch vụ thanh toán tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng từ 50,3 - 99,1%, giá trị tăng từ 5,4 - 10,8% tùy phương thức thanh toán. Các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn. Ngành Ngân hàng cũng gia tăng mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số. Nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa. Trong đó, nhiều nghiệp vụ đã số hóa 100%, góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tốc độ tăng quá nhanh của dòng tiền chỉ trong một số ngày cuối năm cũng đặt ra một số yếu tố lo ngại về cân đối tiền và hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, nền kinh tế sau giai đoạn “đói ép” thiếu tiền suốt gần 11 tháng đầu năm thì nay có dấu hiệu chuyển sang trạng thái “no dồn”. So sánh tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng GDP, tín dụng trong cả năm 2023 đã tăng 13,5% trong khi tăng trưởng GDP cả năm ước tính tăng 5,05%, theo đó tín dụng tăng nhanh gấp 2,67 lần so với tốc tăng GDP. Nhìn lại diễn biến các năm trước, tín dụng thường cũng tăng nhanh hơn GDP (khoảng gấp 2 lần), riêng năm 2022 tín dụng tăng 14,5% còn GDP tăng 8,02% (nhanh gấp 1,8 lần).
Trong đó, sự chênh lệch lớn giữa 2 chỉ tiêu này chủ yếu rơi vào quý IV và nhất là tháng cuối của năm. Nhìn lại giai đoạn 3 quý đầu năm, GDP đến cuối tháng 9 tăng 4,24% còn tín dụng tăng 5,73%, tức tín dụng tính đến thời điểm đó chỉ nhanh gấp 1,33 lần so với GDP. Trước tín dụng tăng bùng nổ trong một số ngày cuối năm, một số chuyên gia cũng đánh giá rằng, mối quan tâm khác cũng cần chú ý là chất lượng tín dụng.
Ngoài ra, ông Phan Lê Thành Long - Tổng Giám đốc AFA Group cho biết, bước vào năm 2024 nền kinh tế trong và ngoài nước cũng đang đối diện nhiều bất định và thách thức. “Do vậy, những gì chúng ta đánh giá vào đầu năm cũng vẫn có thể thay đổi theo thời gian” - ông Long nói./.