Xử lý triệt để vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế
Xã hội - Ngày đăng : 09:12, 10/01/2024
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nối điểm cầu Hà Nội với các điểm cầu tỉnh, thành phố.
Hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức song trong năm 2023, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (93,2%). Đồng thời, Ngành cũng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (07/09 chỉ tiêu).
Thể chế chính sách, văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung không chỉ giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt mà còn các chính sách phát triển dài hạn của ngành y tế. Đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng.
Ngành y tế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, xử lý các vi phạm. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Toàn Ngành y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.
Ngày 31/12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, giúp tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế mượn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và cơ chế vay vốn đầu tư đối với bệnh viện công lập; các quy định đối với người hành nghề và đối với người bệnh.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục. Trong thời gian tới, ngành y tế xác định sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh.
Đồng thời, ngành y tế sẽ triển khai quyết liệt chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine sinh phẩm, trang thiết bị y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Y tế đạt được thời gian qua.
Về phương hướng năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với ngành y tế. Cụ thể là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế, trong đó, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế; đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Y tế cần tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%. Đồng thời, tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu, trong năm 2024, Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.
Đồng thời, Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương; chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.