Năm 2023, hệ thống thanh toán bù trừ có 7 tỷ giao dịch

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:14, 10/01/2024

(BKTO) - Nếu như năm 2019, hệ thống thanh toán bù trừ có khoảng 700 triệu giao dịch thì đến năm 2023, số lượng giao dịch đã đạt 7 tỷ giao dịch, gấp 10 lần so với năm 2019.
thanh-toan-khong-dung-tien-mat.jpg
Đến nay, toàn hệ thống có hơn 180 triệu tài khoản thanh toán cá nhân. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị chuyên đề công tác thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngày 09/01, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết: Nếu như ở giai đoạn 2015-2017, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam có 31% người trưởng thành có tài khoản thanh toán thì đến nay, con số này đã tăng lên 77,41%. Nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%.

pham-tien-dung.jpg
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%.Ảnh: NHNN

Về số lượng giao dịch, nếu như năm 2019, hệ thống thanh toán bù trừ có khoảng 700 triệu giao dịch, là một con số mơ ước thời điểm đó thì đến năm 2023, số lượng giao dịch đã đạt 7 tỷ giao dịch, gấp 10 lần so với năm 2019.

Theo Phó Thống đốc, nếu như năm 2017, chỉ một vài ngân hàng có mobile banking thì hiện nay, tất cả giao dịch đều thực hiện trên mobile, đem đến sự giao tiếp hoàn toàn khác cho người dùng. Trước kia, giao dịch ngân hàng chỉ đơn thuần trong lĩnh vực ngân hàng thì giờ đây, người dùng thông qua app ngân hàng đã có thể đặt vé máy bay, chọn chỗ ngồi, đặt taxi, đóng tiền điện, nước… cho thấy sự tích hợp của ngành ngân hàng và các ngành kinh tế khác đã ở mức độ rất cao.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian qua, NHNN đã trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số theo định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng công nghệ, mang lại tiện ích an toàn cho khách hàng như Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) cho phép khách hàng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ thanh toán toàn trình trên kênh điện tử mà không cần gặp mặt, đến phòng giao dịch ngân hàng.

NHNN phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).

Hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử luôn được chú trọng đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, năng lực xử lý, đảm bảo an ninh, an toàn, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các thành viên trong xu thế số hóa dịch vụ sâu rộng.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán thân thiện, tiện ích, ứng dụng công nghệ hiện đại được tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng, mang lại trải nghiệm và hài lòng khách hàng. Số lượng khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán liên tục tăng qua các năm.

Đến nay, toàn hệ thống có hơn 180 triệu tài khoản thanh toán cá nhân. Thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code tăng trưởng nhanh. Đến nay, đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua Internet và Mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 46,48%, 90,12%; riêng thanh toán qua QR Code, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch qua QR Code bình quân năm đạt 471,13%.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác.

Các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money. Từ đó, người dân, doanh nghiệp giao dịch mua bán, thanh toán an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí ngay trên ứng dụng, nền tảng số quen thuộc hằng ngày./.

THÀNH ĐỨC