Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: Đẩy lùi tín dụng đen để tín dụng phi chính thức không trở thành tội đồ

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 08/10/2018

(BKTO) - Phần lớn mọi người hiện đang đánh đồng tín dụng phi chính thức (TDPCT) và tín dụng đen (TDĐ), mà đã đen là xấu. Tuy nhiên, TDPCT có cả phần tích cực lẫn tiêu cực.


Hiểu đúng hơn về tín dụngphi chính thứcvà tín dụng đen

Hiện nay, xã hội đang có nhiều cách hiểu không đúng về TDĐ. Trước hết, cần phải xác định, nền kinh tế có hai loại tín dụng là chính thức và phi chính thức; trong đó, TDĐ chỉ là một phần của TDPCT, bao gồm nhiều dạng như: vay bạn bè, người thân, vay các công ty, vay cầm đồ, vay từ các tổ chức tài chính vi mô,…

Chúng ta thường đánh đồng TDPCT và TDĐ, mà đã đen là xấu, nên khi hình dung về TDPCT, mọi người hay có cái nhìn không tốt, thậm chí là rất xấu. Tuy nhiên, TDPCT có cả phần tích cực lẫn tiêu cực. Thực tế, các tổ chức tài chính ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay mượn của người dân, do vậy mới phát sinh ra TDPCT, bao gồm cả TDĐ.

Đặc điểm của TDĐ thường là: cho vay quen biết giữa các cá nhân; phạm vi địa lý gần nhau, hầu hết xảy ra ở nông thôn; không theo chuẩn mực nào, chủ yếu là vay nóng; thủ tục cực kỳ đơn giản, linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, mọi yêu cầu; khoản vay thường nhỏ; tài sản bảo đảm cực kỳ đa dạng, có thể là ti vi, tủ lạnh, sổ đỏ, điện thoại; có thể gia hạn nếu cần. Dĩ nhiên, cũng vì thế nên nó cực kỳ rủi ro.

Có 3 loại vay TDĐ phổ biến là: cho vay tiền gộp - ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hằng ngày, lãi suất khoảng 60 - 70%; hai là vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, loại này vô cùng rủi ro vì lãi suất cao, lên đến hơn 100%. Loại cuối cùng là cho vay mua xổ số, hay "đề đóm".

Từ những đặc điểm nêu trên, TDĐ cần được định nghĩa đúng hơn, có thể thống nhất bằng một thuật ngữ khác là TDPCT nặng lãi, không theo pháp luật. Bởi, nếu chúng ta gọi là TDĐ, vậy còn “sáng” thì là gì?

Tín dụng đen đang có nhiều cơ hội để hoành hành

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng TDĐ lan rộng là do đối tượng cho vay rất tinh vi, còn đối tượng đi vay thường sẽ giấu diếm hành động của mình, đến khi vỡ lở thì vụ việc mới bị phát hiện. Bên cạnh đó, các luật về hình sự, dân sự, hành chính của nước ta cũng chưa đủ và chưa cụ thể, dẫn đến việc xử phạt chưa quyết liệt.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, những đối tượng vay TDĐ thường có công việc không ổn định, hoặc hành vi không lành mạnh trong xã hội nên không thể đến ngân hàng vay tín dụng, từ đó hình thành nên một mảnh đất màu mỡ cho TDĐ xâm nhập.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, quy mô kinh tế phi chính thức vẫn còn rất lớn, đây chính là cơ hội để TDĐ phát triển. Ngoài ra, sự bùng nổ của công nghệ cũng đã hỗ trợ đắc lực cho việc vay ngang hàng, vay trực tuyến, tạo thêm cơ hội để TDĐ hoành hành ngày càng tinh vi và phổ biến hơn.

Hiện nay, Điều 468 Luật Dân sự 2015 đã quy định trần lãi suất là 20%. Tuy nhiên, Luật này lại có thêm nội dung mở ngoặc là: trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. Như vậy, trong trường hợp luật về tài chính tiêu dùng cho phép lãi suất thỏa thuận thì trần lãi suất nói trên sẽ không bị vi phạm. Cụ thể, việc cho vay tiêu dùng có lúc lên đến 40 - 45% cũng không xem là vi phạm luật. Theo quy định hiện thời, nếu cho vay nặng lãi gấp 5 lần 20% (tức 100%) mới là vi phạm pháp luật; mức thu lợi bất chính từ 30 - 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính và giam giữ. Nếu luật chuyên ngành cho phép thỏa thuận thì việc áp dụng luật hình sự cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn.

Làm thế nào để đẩy lùi tín dụng đen?

Để giải quyết vấn nạn TDĐ, điều quan trọng nhất là dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và DN cần phải được tăng cường khả năng tiếp cận, thực hiện tốt Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế. Việt Nam có mạng lưới internet phát triển, bởi vậy loại hình tài chính số, ngân hàng số cần được tận dụng tối đa.

Tiếp theo, cần nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ để họ vừa tìm đến TDPCT thay vì TDĐ, vừa nâng cao ý thức trả nợ. Vấn đề này cần có sự vào cuộc của truyền thông để đưa thông tin tới người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đưa giáo dục tài chính vào giảng dạy từ cấp trung học phổ thông, có thể là bộ môn tự chọn hoặc bắt buộc,…

Để hạn chế tội phạm liên quan cho vay nặng lãi, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tăng cường các biện pháp răn đe đối với TDĐ. Hình phạt trong luật hiện đã quy định khá rõ, nhưng có lẽ cần phải nghiêm hơn nữa.

Các kênh thị trường vốn cũng cần phát triển hơn, đặc biệt là kênh tài chính vi mô. Đối với các sản phẩm tài chính mới, các cơ quan quản lý phải sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể.

Trên thực tế, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang có nhiều “room” để phát triển, đây cũng là một giải pháp tốt để đẩy lùi TDĐ. Quy mô hiện tại của tín dụng tiêu dùng mới chỉ chiếm 18% dư nợ nền kinh tế, trong khi nhiều nước trong khu vực đang có tỷ lệ lớn hơn. Mặc dù vậy, việc phát triển nóng cũng cần phải kiểm soát để hạn chế các hệ lụy đi kèm.

Việt Nam đang có khoảng 16 công ty tài chính cùng với 11 công ty cho thuê tài chính. Các công ty tài chính này cũng khá năng động, tại nhiều cửa hàng bán lẻ, công ty tài chính đã kết nối để cung cấp tín dụng tại chỗ cho khách hàng, rất tiện lợi. Tuy nhiên, các sản phẩm cần phải đa dạng hóa hơn nữa, chẳng hạn như vay đám cưới, cho vay sinh viên,... Các ngân hàng và các công ty tài chính, công ty công nghệ phải phối hợp chặt chẽ để tạo ra một hệ sinh thái giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn.

Một lần nữa có thể khẳng định: không nên coi TDPCT là xấu hoàn toàn, vì người dân vẫn có nhu cầu và cũng cần có nguồn cung. Một diễn giả quốc tế từng nói rằng: TDPCT đáp ứng nhu cầu hơn là tội đồ, bởi vậy phải bóc tách ra, cái nào là TDĐ thì ngăn chặn, cái nào đáp ứng nhu cầu chính đáng thì nên khuyến khích.
         
Năm 1993, TDPCT của Việt Nam chiếm khoảng 60 - 70% tổng tín dụng nền kinh tế. Đến năm 2006, loại tín dụng này còn khoảng 16 - 20%, đây là con số khá phù hợp với một nền kinh tế như Việt Nam. Trong khoảng 16 - 20% đó, TDĐ chiếm khoảng 30 - 35%, còn lại sẽ là vay bạn bè, người thân, vay tổ chức tài chính vi mô,... Quy mô TDĐ chiếm khoảng 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế, tức là chỉ khoảng 400 - 500 nghìn tỷ đồng, nhưng hệ lụy xã hội lại vô cùng lớn.

NGUYỄN LY (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018