Để vượt qua thách thức, nền tài chính quốc gia cần xác lập cấu trúc mới

Đối nội - Ngày đăng : 08:25, 08/10/2018

(BKTO) - Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nêu ra 6 thách thức mà Việt Nam phải giải quyết khi tái cấu trúc nền tài chính công, đó là các vấn đề: tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí; cơ cấu ngân sách; hiệu quả, hiệu lực quản trị, quản lý vốn nhà nước tại khu vực DN và sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia; các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá; xây dựng thể chế để giải quyết vấn đề chi phí vốn khu vực DN; nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính - ngân sách. Đây cũng chính là những vấn đề đang gây nên sự quan ngại lớn cho các nhà quản lý cũng như nhiều chuyên gia.


Nền tài chính quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) - nhận định: hiệu quả quản lý chi ngân sách còn nhiều bất cập; việc tách bạch chi đầu tư - thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế - kỹ thuật; hiệu quả đầu tư công thấp, việc cơ cấu lại chi đầu tư công còn chậm, phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài, đội chi phí lên cao. Chi thường xuyên vẫn bao cấp hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp; việc tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công thực hiện chậm, dẫn tới vòng luẩn quẩn áp lực chi NSNN lớn nhưng chi ngân sách/đơn vị dịch vụ công và trên đầu biên chế thấp...

Ông Hưng nhấn mạnh: Việc phân cấp ngân sách như hiện nay làm cho vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư bị giảm đi. Không những thế, khả năng định hướng của ngân sách T.Ư trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước cũng như khả năng đầu tư dứt điểm cho các công trình trọng điểm và mang tính đột phá cũng giảm tương ứng. Việc phân cấp chức năng, nhiệm vụ như nhau cho các địa phương cùng cấp ngân sách trong khi nhiều địa phương chưa đáp ứng được các tiêu chí theo quy định đã dẫn tới việc chia nhỏ hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính, sự nghiệp công. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng nhanh biên chế, tiền lương và làm hạn chế hiệu quả chi tiêu công.

Điều đáng lo ngại nữa, bội chi ngân sách đang chịu áp lực lớn do thu NSNN gặp khó khăn hơn; kỷ luật, kỷ cương trong khâu quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản có nơi bị buông lỏng, dẫn đến thất thoát, lãng phí; hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế...

Đề cập đến những thách thức mà NSNN phải đối mặt, ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) - đã trích dẫn “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” của Ngân hàng Thế giới: có 3 yếu tố thách thức đối với hiệu lực của Nhà nước ở Việt Nam, đó là, tình trạng Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế; tình trạng quyền lực nhà nước bị cát cứ, manh mún; sự hạn chế của người dân tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Ông Thăng nhấn mạnh, khó khăn tiếp theo của nước ta là sự phân tán nguồn lực tài chính công, thể hiện một phần ở chính sách thu, chi và phân cấp ngân sách. Đó là việc phân tán nguồn thu do cơ chế tài chính cho phép để lại nguồn thu phí cho các đơn vị thu và một số khoản thu để lại các quỹ tài chính ngoài NSNN. Cơ chế phân cấp ngân sách như vậy đã tạo chủ động một bước cho chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi. Tuy nhiên, do phạm vi nguồn lực chính quyền địa phương được hưởng, nhất là đối với 50 tỉnh nhận số bổ sung từ ngân sách T.Ư cũng như cơ chế phân cấp tương đối đặc thù đã khiến cho vai trò của chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi bị hạn chế.

Cần xác lập cấu trúc mới cho nền tài chính quốc gia

Cũng tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho rằng: Việt Nam cần xác lập cấu trúc mới cho nền tài chính quốc gia. Đó là cấu trúc mà tài chính nhà nước ngày càng lớn về quy mô nhưng càng nhỏ về tỷ lệ thành phần, còn tài chính DN và tài chính dân cư không chỉ tăng nhanh về quy mô, mà còn phải chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thể nền tài chính quốc gia. Vì vậy, trong trung hạn, nước ta cần có kế hoạch giảm dần mức tập trung nguồn lực và thu nhập quốc dân vào Nhà nước, thay vào đó là để lại cho DN và người dân nhiều hơn các khoản thu nhập do họ làm ra, khuyến khích họ tiếp tục đầu tư, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.

Từ quan điểm đó, ông Thanh đề xuất, Việt Nam cần tập trung triển khai quyết liệt 9 giải pháp và chính sách tài chính, trong đó phải huy động hợp lý, tập trung, kịp thời, đầy đủ các nguồn thu NSNN trên cơ sở tiếp tục cải cách hệ thống thuế, phí phù hợp với kinh tế thị trường, theo hướng công khai, công bằng, thống nhất, hợp lý và đồng bộ. Xây dựng và duy trì chính sách phân phối tài chính hợp lý; chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu kinh tế, tài chính, ngân hàng; thực hiện phân phối và phân phối lại các nguồn thu nhập trong xã hội theo hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động theo vốn, tài sản, trí tuệ và phúc lợi xã hội…

Từ thực trạng trên, ông Vũ Nhữ Thăng cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền tài chính quốc gia. Theo ông Thăng, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo kỷ luật tài khóa. Cùng với đó, Việt Nam cần gia tăng các khoản thu thường xuyên trên nền tảng mở rộng cơ sở thu (đối tượng chịu thuế) và giá tính thuế hơn là điều chỉnh thuế suất; rà soát lại các ưu đãi thuế, gia tăng các khoản thu thường xuyên từ cho thuê mặt đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; nghiên cứu thuế đối với nhà, đặc biệt là cá nhân có sở hữu nhiều nhà ở khu đô thị lớn và thời gian nắm giữ quyền sở hữu nhà ngắn.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật NSNN về phân cấp NSNN để tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, qua đó đảm bảo tỷ trọng thu khoản này khoảng 60 - 65% tổng thu NSNN; tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn và lãi suất hợp lý để vừa giảm thiểu rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản vừa tái cơ cấu nợ; tăng tỷ trọng nợ trong nước và giảm nợ nước ngoài; hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay mới…

Còn theo ông Võ Thành Hưng, để cơ cấu lại NSNN, Việt Nam cần thực hiện bốn nhóm giải pháp, đó là: hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại thu - chi NSNN, sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách và tăng cường năng lực giám sát tài chính quốc gia.

Trong nhóm giải pháp về tăng cường năng lực giám sát tài chính, nước ta cần đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán và thống kê cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ sở thông tin dữ liệu, nâng cao hiệu quả giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường và dịch vụ tài chính, nợ công để các thị trường này vận hành an toàn, lành mạnh, minh bạch.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018